Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu: Việt Nam nắm bắt nhiều cơ hội mới
Ngày 18-11, gần 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Diễn đàn xuất khẩu năm 2020 với chủ đề 'Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau Covid-19' do Trung tâm Xúc thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức.
Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất với Việt Nam là chưa tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, đang đi sau so với các quốc gia khác trong khu vực.
Đối mặt với “những cơn gió ngược mạnh”
Tại diễn đàn, theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển phải đối mặt với “những cơn gió ngược mạnh” do tác động của dịch bệnh mang tới. Covid-19 làm tăng xu thế chậm lại của tăng trưởng thương mại, GDP và năng suất toàn cầu. Dự báo của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) cho thấy, GDP toàn cầu giảm đi 5,2% năm 2020 (mức suy thoái sâu nhất trong 8 thập niên). Trong số 14 đợt suy thoái toàn cầu trong 150 năm qua, đợt suy thoái này đứng thứ 4 về độ sâu. Thương mại hàng hóa có thể giảm từ 13%-32% năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm nay cũng dự kiến sẽ giảm đi ở 93% các quốc gia, tỷ lệ lớn nhất trong 1 thế kỷ rưỡi.
Các nguồn vốn chủ yếu cho phát triển (FDI, đầu tư gián tiếp và kiều hối) đều sụt giảm nghiêm trọng. Các dòng tài chính tư nhân bên ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển có thể giảm đi 700 tỷ USD so với năm 2019, vượt quá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 tới 60%. Dòng FDI vào những thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ giảm đi 21,4% trong năm nay. Mạng sản xuất toàn cầu đang bị đứt gãy trên quy mô chưa từng thấy trước đây. Trước khi dịch bệnh xảy ra, các chuỗi cung ứng quan trọng tập trung quá mức tại các vùng mà sau đó bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là Trung Quốc. Mức tập trung cao khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng, do đó dẫn đến suy giảm thương mại quốc tế trầm trọng.
Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng
Ông Frederick R.Burke, chuyên gia kinh tế Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Baker&Mckenzie Việt Nam, nhìn nhận, trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, Việt Nam dù chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy có nhiều dư địa để làm tốt hơn nữa. Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, đang đàm phán 2 FTA, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.
Trong thu hút đầu tư, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ 2019 nhưng vẫn tốt hơn so với mức giảm trung bình 30%-40% trên toàn cầu năm 2020. Đây là kết quả ban đầu khá tốt so với phần còn lại của thế giới, là đòn bẩy để Việt Nam lội ngược dòng ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19.
Tuy nhiên, điều lo lắng hiện nay, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu (GVC) và khu vực vẫn còn hạn chế, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới (theo WB, độ mở của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan và gấp 5 lần Trung Quốc). Mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN. Số liệu của WB, năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các GVC, xếp thứ 53 trong số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD (xếp thứ 34). Đồng thời mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Báo cáo phát triển thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” và cần tiến lên trong GVC để nâng cao năng suất.
Theo tính toán, GVC hiện chiếm 66% giao dịch thương mại, nhưng mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 28% tổng kim ngạch thương mại, thấp hơn gần 2 lần so với Trung Quốc. Không những vậy, Việt Nam tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, DN như: 4 sản phẩm hàng đầu (dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại) chiếm 2/3; 4 thị trường lớn nhất (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ) chiếm 60%; 4 tập đoàn hàng đầu (Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic) chiếm 70% kim ngạch thương mại trong GVC. Điều này cũng đồng nghĩa, 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do các DN FDI thực hiện. Trong khi đó, khả năng các DN nội địa tham gia và được kết nối vào GVC còn hạn chế.
Năm 2020, ước tính cứ 1% tăng lên trong việc tham gia GVC sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người hơn 1% (nhiều hơn 2 lần so với thương mại truyền thống). Do vậy, tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nhanh năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng, trung và dài hạn, Việt Nam nên có những cải cách dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa công - tư, chủ động thu hút các nhà đầu tư khi họ tìm kiếm cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc để đa dạng GVC. Hai nhân tố quan trọng cần ưu tiên là đào tạo lao động chất lượng cao và xây dựng hạ tầng kết nối; thúc đẩy giáo dục - đào tạo sau phổ thông cao hơn, tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng và trình độ cao, nếu muốn vượt khỏi mức độ lắp ráp sản phẩm.
Để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ nội địa phát triển, cần giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển; cải thiện thủ tục hành chính. Môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định, dự đoán được, từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi”. Quá trình này cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan như vai trò của nhà nước, chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong xác định ưu tiên chiến lược, tạo khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao vai trò của các hiệp hội trong liên kết các DN.
TPHCM luôn ưu tiên hỗ trợ DN
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, trong những năm qua, TPHCM đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu hướng tới các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Thành phố xác định việc hỗ trợ DN tiếp cận thông tin thị trường, cách thức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả, gia tăng tỷ trọng nguyên liệu nội địa trong cơ cấu hàng xuất khẩu là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam và thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động xuất khẩu, song song đó, các FTA mà Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA… bắt đầu có hiệu lực thì Diễn đàn xuất khẩu 2020 do ITPC tổ chức thường niên là hoạt động nhiều ý nghĩa, cung cấp thông tin giúp DN định hướng lại các thị trường xuất khẩu, xác định lại giá trị của chuỗi cung ứng và vùng cung ứng nguyên liệu trong trạng thái bình thường mới.
DN dám chấp nhận rủi ro để phát triển
Điều gì cản ngại DN tham gia chuỗi cung ứng? Theo ông Frederick R.Burke, đặc điểm của chuỗi giá trị toàn cầu ngày nay là tất cả các FTA này có quy tắc, tiêu chuẩn tuân thủ, hàng rào phi thuế quan khác nhau giữa các quốc gia; các GVC đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn nguyên liệu và linh kiện ban đầu để đảm bảo không có vi phạm về tiêu chuẩn lao động, tuân thủ các vấn đề pháp luật. Đây chính là thách thức đối với các DN nhỏ và vừa Việt Nam.
Với DN, cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, đồng thời vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các DN công nghệ tiên tiến. Nói cách khác, muốn tham gia vào GVC, DN phải vượt lên chính mình, dám chấp nhận rủi ro để quốc tế hóa, từ đó mới chủ động nâng cao quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực, tìm kiếm vị thế của mình trong tình hình mới.