Dịch COVID-19: Ấn Độ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc mới
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 437.219 ca nhiễm, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (195.815 ca), tiếp đến Brazil (37.563 ca), Argentina (22.651 ca), Mỹ (18.841 ca), Colombia (16.977 ca).
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 25/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 167.971.644 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3,48 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 149.287.231 triệu người.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 437.219 ca nhiễm, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (195.815 ca), tiếp đến Brazil (37.563 ca), Argentina (22.651 ca), Mỹ (18.841 ca), Colombia (16.977 ca) Iran (11.005 ca), Nga (8.406 ca)...
Quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, cụ thể là 604.392 ca tử vong trong tổng số 33.920.340 bệnh nhân. Tiếp đó là Ấn Độ với 26.947.496 ca nhiễm và 307.249 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 16.121.136 ca nhiễm và 450.026 bệnh nhân không qua khỏi.
Trong một tuần qua, Nam Mỹ và châu Phi là hai khu vực ghi nhận có số ca nhiễm mới tăng, lần lượt tăng 11% và 27%, trong khi các khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á đều giảm 18%. Mức giảm của châu Đại dương là 7%.
Tại Nam Mỹ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Argentina, Chánh văn phòng Nội các nước này, ông Santiago Cafiero đã kêu gọi chính quyền 24 tỉnh của nước này đảm bảo người dân phối hợp thực hiện các biện pháp phòng dịch để giảm số ca nhiễm SARS-CoV-2.
Argentina đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai khiến hệ thống y tế của nước này chịu nhiều sức ép. Hiện nước này đang thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn ngừa nguy cơ lây lan của SARS-CoV-2.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ cho biết Chính phủ Chile đã quyết định kéo dài lệnh đóng cửa biên giới cho đến ngày 15/6 tới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong nước.
Người nước ngoài không được phép nhập cảnh ngoại trừ những người đã có giấy phép cư trú dài hạn. Công dân Chile không được phép xuất cảnh trừ những trường hợp đặc biệt và phải có sự đồng ý từ các cơ quan chức năng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Chile Paula Dasa cho biết, việc kéo dài lệnh đóng cửa biên giới sẽ được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp khác liên quan đến kế hoạch mang tên “Từng bước” của chính phủ nước này nhằm kiểm soát hoạt động đi lại của người dân, trong đó bao gồm áp đặt lệnh giãn cách xã hội tại 9 tỉnh và thành phố.
Biện pháp đóng cửa biên giới được áp dụng từ ngày 5/4 sau khi quốc gia Mỹ Latinh này ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm COVID-19.
Cho đến nay, Chile ghi nhận hơn 1.335.200 người mắc COVID-19, trong đó có 28.548 trường hợp tử vong.
Tại châu Âu, Chính phủ Anh khuyến cáo người dân không nên đến các khu vực có nhiều ca mắc COVID-19 biến thể Ấn Độ nếu không thật sự cần thiết.
Anh công bố danh sách 8 vùng báo động về số ca dương tính với biến thể SARS-CoV-2 ở Ấn Độ gồm Bolton, Blackburn, Kirklees, Bedford, Burnley, Leicester, Hounslow và North Tyneside.
Trong đó vùng Bolton thuộc Greater Manchester có tỷ lệ mắc cao nhất nước Anh - 451 ca/ 100.000 người trong vòng một tuần tính đến ngày 20/5.
Tại châu Đại dương, chính quyền Melbourne - thành phố lớn thứ hai của Australia, đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 sau khi giới chức nước này phát hiện chùm ca nghi nhiễm mới liên quan tới ổ dịch vừa được phát hiện.
Các buổi sum họp gia đình hạn chế tối đa 5 khách và chỉ cho phép tổ chức các sự kiện công cộng có tối đa 30 người tham gia; người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Các quy định này có hiệu lực từ 18h ngày 25/5 đến 4/6.
Ổ dịch mới gồm 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Melbourne đã đặt dấu chấm hết chuỗi ngày gần 3 tháng bang Victoria không ghi nhận thêm bất cứ ca nhiễm mới nào.
Đây là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai tại Australia khi chiếm tới 70% tổng số ca nhiễm và 90% ca tử vong do COVID-19 của nước./.