Dịch COVID-19: Biến thể Delta đang lan mạnh tại Nhật Bản
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Sapporo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) vừa công bố kết quả phân tích dữ liệu di truyền cho thấy biến thể Delta đã xâm nhập từ bên ngoài vào Vùng thủ đô sau đó lan rộng ra khắp các địa phương của Nhật Bản.
Kết quả nghiên cứu trên đã được NIID công bố trong cuộc họp với hiệp hội các chuyên gia y tế của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ngày 4/8 vừa qua nhằm đánh giá chính xác nguồn gốc và cách thức lây lan của biến thể Delta.
Ca mắc biến thể Delta đầu tiên từng được cơ quan y tế nước này công bố phát hiện đầu tiên vào ngày 18/5 là một người sinh sống tại thủ đô Tokyo nhưng chưa từng đi nước ngoài.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra sâu hơn đã cho thấy, ca mắc biến thể Delta đầu tiên tại Nhật Bản đã xuất hiện vào ngày 16/4, trong một khu cách ly của sân bay quốc tế tại Tokyo.
Sau đó, biến thể Delta liên tiếp được ghi nhận tại các khu vực Kanto, Kansai, Chubu, Kyushu vào khoảng tháng 5.
Giám đốc NIID, ông Takaji Wakita, cho biết biến thể Delta chỉ cần một xuất phát điểm để có thể lan rộng ra toàn quốc trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Dữ liệu của NIID cũng chỉ ra rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang dần thay thế các chủng virus SARS-CoV-2 trước đó.
Hiện tại, biến thể Delta chiếm gần 90% số ca mắc mới tại thủ đô Tokyo, khoảng 89% tại các tỉnh lân cận như Kanagawa, Saitama, Chiba và dự báo đến cuối tháng 8, tỉ lệ này tại vùng thủ đô sẽ là 100%.
Trong khi đó, tại vùng Kansai với trọng điểm là Osaka, Kyoto và Hyogo, tỉ lệ này có thể tăng từ 63% hiện nay lên 80% vào cuối tháng 8.
Ngoài ra, biến thể này cũng được dự báo sẽ là nguyên nhân gây ra toàn bộ số ca mắc tại một số địa phương khác như Okinawa (đang chiếm 89%), tỉnh Fukuoka (đang chiếm 85%) đến cuối tháng này.
Theo ông Takaji Wakita, biến thể Delta có tốc độ lây lan mạnh hơn nhiều lần so với virus SARS-CoV-2 thông thường nên rất khó để có một biện pháp kiểm soát hiệu quả tuyệt đối.
Biện pháp trước mắt là hạn chế lưu lượng di chuyển giữa các địa phương, giảm xuống mức thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp với nhau và đẩy mạnh tiêm chủng vaccine.
Trong ngày 5/8, lần đầu tiên quốc gia Đông Bắc Á này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày trên 15.000 ca.
Cụ thể, có 15.263 ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện trong 24 giờ qua, trong đó thủ đô Tokyo ghi nhận con số kỷ lục mới với 5.042 ca. Số ca bệnh nặng tại Tokyo cũng tăng thêm 20 ca, lần đầu vượt mốc 130 ca kể từ ngày 1/2.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nhật Bản, ngày 5/8, Chính phủ Nhật Bản đã đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm từ ngày 8/8.
Các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ có hiệu lực đến ngày 31/8. Trước đó, có 5 tỉnh đã nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm gồm Hokkaido, Ishikawa, Kyoto, Hyogo và Fukuoka.
Trong khu vực phòng dịch trọng điểm, các cơ sở kinh doanh ăn uống không được phục vụ đồ uống có cồn và phải đóng cửa trước 20h hằng ngày. Chỉ khi số ca mắc mới có xu hướng giảm, thống đốc tỉnh, thành đó mới có thể cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ đồn uống có cồn cho đến 19 giờ hằng ngày.
Phát biểu sau khi đưa ra quyết định trên, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết: “Dịch bệnh đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy ở thủ đô Tokyo và một số nơi khác. Do số ca mắc mới gia tăng, số bệnh nhân nguy kịch cũng tăng lên”.
Theo Thủ tướng Suga, biến thể Delta hiện chiếm khoảng 90% số ca mắc mới ở thủ đô Tokyo, trong khi tỉ lệ nhiễm biến thể Delta ở nhiều địa phương khác cũng khá cao.
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, cho biết số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch ở Nhật Bản đã tăng gấp đôi trong 2 tuần qua, khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng căng thẳng.