Dịch Covid-19: Biến thể Omicron và những kịch bản 'đau đầu' đối với tăng trưởng toàn cầu
Theo báo Le Figaro của Pháp, trước mối đe dọa về làn sóng Covid-19 mới, giới nghiên cứu kinh tế đã thận trọng xem lại các dự báo về tăng trưởng toàn cầu.
Hơn một tuần qua, sau khi xuất hiện thông tin đầu tiên về biến thể Omicron, thế giới dường như quay trở lại thời kỳ lo sợ giống như cách đây gần 2 năm.
Nhật Bản, New Zealand, Australia, Israel đã đóng cửa hoàn toàn biên giới, còn nhiều nước châu Âu tạm dừng các chuyến bay từ Nam Phi và những nước có nguy cơ cao.
Omicron làm đau đầu tăng trưởng toàn cầu
Suốt hơn một tuần qua, thị trường tài chính thế giới chao đảo, hàng loạt sự kiện lớn bị hủy hoặc tạm hoãn, gây ra tâm lý hoang mang do sự kết hợp của làn sóng dịch thứ tư hoặc thứ năm, tùy theo từng nước, và sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Mặc dù đã có vaccine ngừa Covid-19, song thái độ thận trọng vẫn bao trùm.
Trong bối cảnh đó, phát biểu của Chủ tịch hãng dược phẩm Moderna, ông Stephane Bancel, trên tờ Financial Times ngày 1/12 như "đổ thêm dầu vào lửa".
Ông Stephane Bancel cho rằng, hiệu quả của vaccine sẽ “giảm đáng kể” đối với biến thể Omicron. Các tập đoàn dược phẩm nêu rõ, cần mất nhiều tháng để điều chỉnh công thức vaccine cho phù hợp.
Trong khi chờ đợi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố biến thể Omicron “có nguy cơ rất cao”.
Trước tình hình mới, giới lãnh đạo toàn cầu có nhận định tương đối khác nhau, từ thái độ thận trọng cho đến báo động.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, Omicron là “lý do gây lo ngại, nhưng không nên hoảng loạn” và không cần phải có thêm những biện pháp hạn chế mới.
Ngược lại, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio lại có “cảm giác mạnh mẽ về một cuộc khủng hoảng mới”. Nhật Bản đã ra lệnh đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài. Còn theo Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jay Powell, biến thể Omicron làm dấy lên “nhiều nguy cơ đe dọa việc làm và hoạt động kinh tế”.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh, “không nên lo ngại về tăng trưởng”, nhưng Chủ tịch Hiệp hội giới chủ Pháp (Medef) tuyên bố doanh nghiệp nên “dốc toàn lực” để ngăn chặn ảnh hưởng của Omicron.
Thị trường tài chính thế giới liên tục đỏ rực trong những ngày qua. Chỉ số chứng khoán châu Âu kết thúc tháng 11/2021 với mức giảm trung bình 3%. Cổ phiếu du lịch và giải trí - những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất - đã tụt dốc hơn 20%.
Didier Arino, Chủ tịch hãng tư vấn du lịch Protourisme, nói: “Nếu Mỹ quyết định đóng cửa biên giới và các nước khác cũng dựng hàng rào biên giới, dù điều này không làm thay đổi được điều gì cả, một cuộc khủng hoảng mới sẽ xảy ra”.
Chủ tịch Liên đoàn dịch vụ nhà hàng-khách sạn Pháp, ông Hubert Jean, cho biết số lượt đặt chỗ đã giảm mạnh từ khi có tin về biến thể Omicron.
Tại Pháp, rất nhiều khách hàng đã hủy sự kiện ăn mừng lễ Noel và năm mới cho nhân viên.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã lên tiếng trấn an: “Chúng ta biết rõ kẻ thù và hiểu cần phải thực hiện những biện pháp nào. Chúng ta được trang bị tốt hơn để đối phó với các rủi ro do làn sóng thứ năm hoặc do biến thể mới Omicron gây ra”.
Lạc quan vào sự phục hồi?
Trên thực tế, những động lực cho sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ vẫn còn. Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn bắt đầu tính toán những thiệt hại do tình trạng tăng trưởng bấp bênh hiện nay gây ra.
Samy Char, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thụy Sỹ Lombard Odier, thừa nhận rằng, không có kim chỉ nam nào dành cho đại dịch.
Ngân hàng Goldman Sachs đã đưa ra 4 đánh giá với các giả định hoạt động kinh tế bị giảm nhẹ, tụt dốc mạnh, “báo động giả” về Omicron trong trường hợp nó ít nguy hiểm hơn biến thể Delta, khả năng biến thể mới lây mạnh hơn nhưng độc lực giảm, khiến dịch bệnh dần dần trở nên bình thường.
Kết quả là, trong kịch bản thứ nhất, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,4% trong năm 2022.
Trong khi đó, Oxford Economics - cơ quan nghiên cứu lớn của Anh - đưa ra dự báo rất u ám: nếu Omicron trở thành biến thể thống trị và độc lực cao hơn Delta, vaccine không hiệu quả nhiều, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 chỉ còn 2,3%, nghĩa là bằng một nửa so với dự báo hiện tại.
Đa số dư luận muốn chờ đợi thêm thông tin, nhưng những chuyên gia kinh tế bi quan nhất đã nhanh chóng vào cuộc và dự tính hoạt động kinh tế sẽ suy giảm trong quý IV/2021 và quý I/2022.
Theo hãng Capital Economics, nếu các biện pháp thắt chặt được thực hiện trong tháng 12/2021 và duy trì cho đến tháng 3/2022, có khả năng nền kinh tế của khu vực đồng Euro lâm vào một cuộc suy thoái mới.
Cho đến nay, những kịch bản xấu như trên vẫn còn thuần túy mang tính chất lý thuyết.
Theo ông Sven Jari Stehn, làm việc tại ngân hàng Goldman Sachs, “có nhiều lý do để tin rằng cú sốc kinh tế năm nay dễ quản lý hơn nhiều so với mùa Đông trước”, chủ yếu vì cứ mỗi khi có một làn sóng mới, ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế nhằm phòng ngừa Covid-19 đối với nền kinh tế lại giảm đi.
Thế nhưng, kinh tế thế giới hiện bị đe dọa bởi khó khăn kép.
Đợt phục hồi mạnh năm 2021 đã tạo ra tình trạng lạm phát cao mất kiểm soát: 4,9% trong khu vực đồng Euro và 6,2% tại Mỹ trong tháng 10/2021, khiến các ngân hàng trung ương đã ít nhiều thắt chặt tiền tệ.
Làn sóng Covid-19 thứ năm sẽ buộc phải giảm bớt xu hướng cắt nguồn cung tiền vì nền kinh tế cần sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, lạm phát sẽ không vì thế mà biến mất do tác động của các nguy cơ mới liên quan đến Covid-19, thậm chí còn ngược lại.
Các biện pháp hạn chế đi lại có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung, tắc nghẽn chuỗi sản xuất và thương mại quốc tế.