Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Đông Nam Á
Biến thể Delta đã càn quét toàn châu Á trong tuần qua, đẩy số ca bệnh tăng kỷ lục ở nhiều nước. Tại Đông Nam Á, nhiều nước đang lao đao trong làn sóng khủng hoảng y tế do biến thể này gây ra.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp hạn chế khẩn cấp, các nước Đông Nam Á không có nhiều "vũ khí" mạnh để đối phó với biến thể Delta. Không chỉ thiếu thốn về hạ tầng y tế, các nước như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia còn đối mặt tình trạng thiếu vaccine và tâm lý chần chừ của người dân với tiêm chủng.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23h59' ngày 4/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm 47.245 ca mắc mới COVID-19 và 782 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 5.093.408 trường hợp và 97.712 ca tử vong. Toàn khối có 4.478.634 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 7 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19, trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 555 ca, Philippines đứng thứ hai với 86 ca, Malaysia ghi nhận 63 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 44 ca, Campuchia ghi nhận 24 ca, Việt Nam thêm 2 ca.
Với 27.233 ca nhiễm trong ngày 4/7, Indonesia đang dẫn đầu khối về số ca mắc mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 2.284.084 ca bệnh và 60.585 ca tử vong. Indonesia ra lệnh tăng cường sản xuất ôxy sau khi 60 bệnh nhân tử vong chỉ trong một ngày vì thiếu ôxy y tế.
Philippines ghi nhận 5.966 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 1.436.369, bao gồm 25.149 người tử vong. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 6.045 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 778.652, trong đó có 6.045 ca tử vong.
Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 5.916 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 993 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên trên 54.000 người. Timor Leste và Brunei không có ca nhiễm mới, trong khi Lào có thêm 31 ca.
Lào tiếp tục gia hạn phong tỏa Thủ đô Vientiane
Ngày 4/7, Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào ra Thông báo số 745/VPPTTg về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 từ ngày 0h ngày 5/7 đến 24h ngày 19/7/2021 trên phạm vi toàn quốc. Đây là lần thứ năm Lào gia hạn thực hiện các biện pháp vốn được áp dụng lần đầu vào ngày 22/4 theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 21/4/2021 về việc tăng cường biện pháp hạn chế, kiểm soát và sẵn sàng đối phó toàn diện nhằm chống dịch COVID-19, có hiệu lực từ 6h ngày 22/4 đến 24h ngày 5/5/2021.
Như vậy, đây cũng là lần thứ năm Lào gia hạn lệnh phong tỏa Thủ đô Vientiane, mỗi lần 15 ngày, trong bối cảnh nước này vừa phát hiện biến thể Delta và một số địa phương của Lào vẫn còn lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, hành khách nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 thì được ra/vào Thủ đô Vientiane hoặc các tỉnh có lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và không phải xin phép tỉnh mình dự kiến đến cũng như không phải cách ly.
Thái Lan đối phó làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất
Theo tờ Straits Times, ngay cả khi Thái Lan đã mở cửa trở lại đảo Phuket cho du khách đã tiêm phòng, nước này vẫn tiếp tục đối mặt với tỉ lệ nhiễm mới và tử vong kỷ lục, dẫn đến tình trạng phong tỏa một phần ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề như Bangkok.
Số ca mắc trên toàn quốc tiếp tục tăng trong những tuần gần đây, một phần do biến thể Delta lây lan nhanh và tốc độ tiêm chủng chậm. Hôm 3/7, Thái Lan ghi nhận 6.230 ca nhiễm mới - mức cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận 10.000 ca mới vào giữa tháng 5.
Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ ba và tồi tệ nhất của Thái Lan đã không cản trở kế hoạch mở cửa dần dần cho khách du lịch. Tháng trước, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố sẽ mở cửa trở lại du lịch quốc tế cho Thái Lan sau 120 ngày, hoặc vào giữa tháng 10. Bước đầu tiên, Phuket đã mở cửa trở lại cho hàng trăm du khách đã tiêm phòng vào giữa tuần trước.
Thái Lan, quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch, đã mất khoảng 50 tỷ USD doanh thu du lịch vào năm ngoái do lượng khách nước ngoài giảm 83% xuống còn 6,7 triệu, từ mức kỷ lục 39,9 triệu vào năm 2019.
Giới chức cho biết Thái Lan sẽ tăng tốc tiêm chủng cho người già và người có bệnh nền, nhằm giảm số bệnh nhân COVID-19 nặng. Nhóm đối tượng này lên tới 17 triệu người.
Hiện nay mới chỉ 0,7%, tương đương 83.000 người, trong độ tuổi trên 60 và 3,1% người có bệnh nền đã được tiêm 2 liều vaccine. Chỉ có 2,9 triệu/66 triệu người dân được tiêm phòng đầy đủ.
Indonesia áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại các điểm nóng dịch bệnh
Chính quyền Indonesia đã yêu cầu đóng cửa các đền thờ Hồi giáo, nhà hàng và trung tâm mua sắm tại các điểm nóng dịch bệnh trên khắp đất nước với đa số là người Hồi giáo này. Ngày 3/7, Indonesia áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Jakarta, đảo Java và Bali trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch COVID-19 được đánh giá là tồi tệ nhất từ trước tới nay.
Toàn bộ người lao động trong lĩnh vực không thiết yếu được yêu cầu làm việc tại nhà, trong khi trường học chuyển sang giảng dạy trực tuyến.
Với các biện pháp mới dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 20/7, Indonesia hy vọng có thể đưa số ca nhiễm hằng ngày xuống dưới 10.000 ca.
Nhằm bảo đảm người dân hạn chế ra ngoài, cảnh sát Indonesia đã bố trí các chốt chặn và hơn 400 trạm kiểm soát trên đảo Java và Bali. Hơn 21.000 cảnh sát và quân nhân cũng được huy động để bảo đảm việc tuân thủ các quy định chống dịch mới.
Trước đó, Indonesia đã trải qua ngày 2/7 với số ca mắc và tử vong mới vì COVID-19 cao kỷ lục. Cụ thể, nước này ghi nhận 25.830 ca mắc mới và thêm 539 ca tử vong - đều cao nhất từ trước tới nay.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/dich-covid19-bung-phat-manh-o-dong-nam-a/436926.vgp