Dịch COVID-19: Các nước Trung Đông tăng cường đối phó dịch bệnh

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Ben Gurion gần Tel Aviv, Israel - Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/3, Jordan đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ 5 nước là Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Syria và Libăng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Trung Đông, phát biểu họp báo tại thủ đô Amman, Bộ trưởng Y tế Jordan Saad Jaber cho biết công dân nước này cũng bị cấm đến 5 nước nói trên.

Theo ông Jaber, Jordan cũng đã quyết định đóng cửa biên giới trên biển với Ai Cập và giảm 50% các chuyến bay từ Ai Cập. Ngoài ra, cửa khẩu biên giới với Iraq và Palestine đã bị đóng cửa đối với hành khách, chỉ mở cửa cho xe tải lưu thông.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Jordan cho biết nước này chưa có quyết định về việc cho học sinh các cấp nghỉ học.

Cùng ngày, Quốc vương Oman đã ra sắc lệnh thành lập Ủy ban cấp cao nghiên cứu cơ chế ứng phó với sự lây lan của COVID-19.

Ủy ban này sẽ được giao nhiệm vụ theo dõi diễn biến của COVID-19 cũng như nỗ lực của các nước khu vực và quốc tế nhằm ứng phó dịch. Ủy ban cũng sẽ xây dựng các giải pháp thích hợp, đề xuất và khuyến nghị dựa trên kết quả các đánh giá y tế tổng thể và các công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tối 10/3, Bộ Y tế Israel đã xác nhận thêm hơn 10 ca nhiễm SARS-CoV2, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 75 trường hợp. Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Israel, cảnh sát và Bộ Y tế Israel đã thành lập các lực lượng đặc nhiệm bao gồm cảnh sát và thanh tra nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch. Các lực lượng này sẽ đảm bảo tất cả những người đang bị cách ly phải tuân thủ các qui định của Bộ Y tế.

Cùng ngày, Bộ Y tế Israel đã chỉ thị cho người dân hạn chế tổ chức các sự kiện với số lượng trên 2.000 người do lo ngại dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát. Ngoài ra, Bộ Lao động, Xã hội và Dịch vụ Xã hội cũng không cho phép các thành viên gia đình và người quen vào thăm viện dưỡng lão. Các cuộc thăm hỏi sẽ diễn ra bên ngoài.

Trong khi đó, hai hãng hàng không của Israel là Arkia và Israir tuyên bố sẽ tạm dừng các chuyến bay quốc tế sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 9/3 yêu cầu cách ly 14 ngày đối với công dân của tất cả các nước tới Israel do lo ngại về dịch COVID-19.

Cũng trong ngày 10/3, Cộng hòa Dân chủ Congo đã xác nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở nước này, qua đó nâng tổng số quốc gia ở vùng Hạ Sahara ghi nhận sự lây lan của dịch COVID lên con số 7. Theo Bộ trưởng Y tế Eteni Longondo, bệnh nhân là công dân Congo nhưng sống ở Pháp và mới trở lại Congo hôm 8/3, và không có triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân và nhiều người có tiếp xúc hiện đã được cách ly.

Cũng trong ngày 10/3, Quốc hội Đức sẽ bổ sung thêm ngân sách 1 tỉ euro cho các biện pháp ứng phó dịch bệnh COVID-19. Thông tin này được ông Ralph Brinkhaus, Chủ tịch liên Đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội liên bang đưa ra ngày 10/3.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Berlin, ông Brinkhaus cho biết ngân sách bổ sung này sẽ được sử dụng với mục đích hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phương pháp phòng chống sự lây lan của SARS-CoV-2. Ông cũng nhấn mạnh các cơ quan y tế nhà nước và Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn "sẽ nhận được sự hỗ trợ về các phương tiện" cần thiết để đối phó với dịch COVID-19 hiện nay.

Cùng ngày 10/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 đã được kiểm soát tại tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán của tỉnh này.

Trong chuyến thị sát đầu tiên đến TP Vũ Hán kể từ khi COVID-19 khởi phát tại địa phương này vào tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sau nhiều nỗ lực, tình hình tại Hồ Bắc và Vũ Hán đã cho thấy những diễn biến tích cực, song công tác ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh vẫn khó khăn và đóng vai trò rất quan trọng.

Theo ông, việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh là một phép thử đối với hệ thống và năng lực quản lý của chính quyền, đồng thời cũng để lại nhiều bài học và kinh nghiệm. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đánh giá cao những nỗ lực của các nhân viên y tế trong công tác chống dịch.

Về lĩnh vực kinh tế, ông Tập Cận Bình nhận định dịch bệnh đã không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế ổn định, lâu dài của nước này. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định và tạo thêm việc làm.

Cùng ngày, trong bối cảnh số ca mắc bệnh tại Trung Quốc đã giảm mạnh thời gian gần đây, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đánh giá cao nỗ lực của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi các nước tận dụng cơ hội từ những nỗ lực ứng phó COVID-19 trên diện rộng của Trung Quốc để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất có thể.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236074/dich-covid-19--cac-nuoc-trung-dong-tang-cuong-doi-pho-dich-benh.html