Dịch COVID-19: Campuchia ghi nhận số ca mắc vượt ngưỡng 30.000 người

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 9/5/2021. Nguồn: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 31/5, Campuchia ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 30.000 người, cụ thể là 30.094 ca mắc, sau khi Bộ Y tế nước này công bố 690 ca nhiễm mới.

Tổng số người tử vong do COVID-19 tại Campuchia tăng lên 214 ca, sau khi có thêm 5 ca ghi nhận ngày 31/5. Hiện tình hình lây nhiễm dịch trong các trại giam tại Campuchia tiếp tục gây lo ngại khi tỉnh Kandal thông báo số phạm nhân và quản giáo bị nhiễm bệnh trong trại giam tỉnh này đã lên tới 369 ca kể từ khi cơ quan chức năng phát hiện những ca lây nhiễm đầu tiên tại đây (103 ca) vào ngày 25/5.

Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Trại giam thuộc Bộ Nội vụ Campuchia, Tướng Chhem Savuth cho biết cơ quan chức năng đã có biện pháp cách ly và ứng phó để kiểm soát và không để dịch lây lan rộng. Hiện chưa có thông tin về nguồn lây nhiễm dịch trong trại giam tại tỉnh Kandal.

Liên quan chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại Campuchia hiện nay, nữ phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia Or Vadine khẳng định kế hoạch tiêm chủng của nước này sẽ được đẩy mạnh để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Bà Or Vadine cho biết tỉ lệ tiêm chủng hiện đã đạt 25% trong tổng số mục tiêu 10 triệu người và kế hoạch này có thể được hoàn tất vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Bộ Y tế Campuchia đã xác định thêm 3 quận nội đô Phnom Penh hiện cần phải được tiêm chủng càng sớm càng tốt và sẽ triển khai ngay sau khi nhận được vắc xin.Sau khi hoàn tất kế hoạch tiêm chủng tại Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia bắt đầu triển khai sang các tỉnh Kandal và Preah Sihanouk.

Trong một phát biểu đăng trên trang Facebook cá nhân ngày 29/5, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ rằng hiện đang có quá nhiều đề nghị được ưu tiên tiêm chủng nhân viên và công chức từ các doanh nghiệp, nhà máy, địa phương cấp tỉnh và cơ quan bộ ngành, nhưng chiến dịch tiêm chủng sẽ được tiến hành theo “chiến lược nở hoa” của chính phủ.

Theo đó, việc tiêm chủng được bắt đầu từ thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal lân cận trước khi mở rộng ra những khu vực khác của đất nước theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên, vắc xin phải được chuyển tới những khu vực đông dân cư nhất trong các tỉnh.

Theo ông Hun Sen, hiện ở Phnom Penh đã có hơn 1 triệu người được tiêm chủng, tương đương 60% dân số thủ đô. Ông khẳng định sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng tại Campuchia.

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, thủ đô Bangkok sẽ cho phép mở cửa trở lại 5 loại hình kinh doanh từ ngày 1/6, trong bối cảnh địa phương này vẫn dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới COVID-19.

Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban về các bệnh truyền nhiễm của Bangkok ngày 31/5. Ủy ban cho biết việc mở cửa trở lại nhằm giảm bớt gánh nặng đối với công việc kinh doanh bằng cách cho phép hoạt động trong những điều kiện nghiêm ngặt.

Các nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của COVID-19 trong các cộng đồng, chợ và khu nhà ở của công nhân vẫn đang tiếp tục.

Các loại hình kinh doanh được phép hoạt động trở lại ở Bangkok từ ngày 1/6 bao gồm: bảo tàng, trung tâm học tập, công viên khoa học, di tích lịch sử và phòng trưng bày nghệ thuật (không tham quan theo nhóm); tiệm xăm và tiệm làm móng (phải đóng cửa trong 14 ngày nếu phát hiện bất kỳ ca mắc COVID-19 nào); phòng khám và dịch vụ làm đẹp/giảm cân; cơ sở spa, massage và các địa điểm liên quan đến chăm sóc sức khỏe (không tắm hơi hoặc massage mặt); và công viên công cộng, vườn bách thảo và vườn hoa (không ăn uống, tụ tập).

Những loại hình kinh doanh khác ở Bangkok vẫn sẽ đóng cửa cho tới ngày 14/6. Thái Lan ngày 31/5 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ cao kỷ lục, với 5.485 ca, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 159.792. Cả nước cũng ghi nhận thêm 19 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 1.031.

Thủ đô Bangkok tiếp tục dẫn đầu danh sách các địa phương có ca nhiễm mới, với 1.356 ca, tiếp theo là Phetchaburi (555 ca), Samut Prakan (358 ca), Saraburi (327 ca) và Pathum Thani (211 ca).

Trợ lý người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson cho biết Bangkok đã phát hiện thêm 2 ổ dịch mới, một khu dân cư dành cho công nhân xây dựng ở quận Bang Na và một cộng đồng ở quận Sathon, nâng tổng số ổ dịch đang được giám sát chặt chẽ ở thủ đô lên 45.

Trong khi đó, tại Lào, sau hơn 40 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, ngày 31/5, nước này đã ghi nhận ngày đầu tiên không có ca nhiễm cộng đồng nào trên cả nước. Tại cuộc họp báo trưa 31/5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận duy nhất một trường hợp mắc mới trong vòng 24h qua và là ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Đây có thể được coi là thành công ban đầu của chính phủ và người dân Lào trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 sau 40 ngày nước này áp dụng lệnh phong tỏa.

Phát biểu tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Y tế Lào nhấn mạnh dù tình hình dịch bệnh có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng người dân không được phép lơ là cảnh giác, sao nhãng việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch; kêu gọi mọi thành phần trong xã hội tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và chủ động đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Tính đến ngày 29/5, tại Lào đã có 872.070 người được tiêm vaccine, trong đó 214.115 người đã tiêm đủ hai mũi. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.912 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.543 người và 3 trường hợp tử vong.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/256286/dich-covid-19--campuchia-ghi-nhan-so-ca-mac-vuot-nguong-30-000-nguoi.html