Dịch Covid-19 châm ngòi 'bom hẹn giờ' khổng lồ ở Trung Quốc
Giới chuyên gia bình luận dịch Covid-19 sẽ châm ngòi 'quả bom nợ' hàng chục nghìn tỷ của Trung Quốc, đẩy nền kinh tế nước này vào khủng hoảng.
Theo South China Morning Post, mọi dấu hiệu cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụt giảm kỷ lục trong quý I vì đại dịch có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc). Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối mặt với nguy cơ lớn hơn nhiều. Đó là núi nợ phình to, đe dọa toàn bộ hệ thống tài chính - ngân hàng nước này.
Trong 10 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc vật lộn với “bom nợ” khổng lồ, hiện đã lên đến gần 40.000 tỷ USD, đồng thời chứng kiến tăng trưởng GDP giảm dần xuống 6,1% hồi năm 2019, mức thấp nhất trong 30 năm qua. Và giờ khi tăng chi tiêu để đẩy tăng trưởng, Trung Quốc lại kiếm được ít tiền hơn.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy doanh thu tài khóa lao dốc 9,9% trong 2 tháng đầu năm, mức giảm sâu nhất kể từ năm 2009. Tổng doanh thu thuế sụt 11,2%. Nguyên nhân là chính phủ Trung Quốc giảm thuế mạnh tay để giải cứu nền kinh tế tê liệt vì dịch bệnh.
Cú sốc thứ hai và núi nợ ngập đầu
Trong khi đó, việc dịch Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu sẽ tiếp tục gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập cá nhân ở Trung Quốc. Thu ngân sách của Bắc Kinh chắc chắn sẽ yếu ớt trong nhiều tháng tới.
Kế hoạch kích thích kinh tế của Bắc Kinh sẽ chỉ khiến núi nợ Trung Quốc nhô cao thêm (tương đương 310% GDP hồi cuối năm 2019, theo Viện Tài chính Quốc tế). Nhiều nền kinh tế ngập trong nợ từng rơi vào suy thoái tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế. Nợ Trung Quốc hiện chiếm 60% tổng khối nợ 72.500 tỷ USD của các nền kinh tế mới nổi.
Năm 2018, Trung Quốc thực hiện chiến dịch giảm chi, qua đó giảm bớt một phần nợ. Nhưng khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, Bắc Kinh buộc phải chi tiêu để hỗ trợ tăng trưởng.
Khoảng 80% tổng nợ Trung Quốc tích tụ trong vòng 10 năm qua khi nước này quyết liệt thực hiện tham vọng tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế từ năm 2010 đến 2020. Đây là mục tiêu quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hiện Trung Quốc đã tạm kiềm chế được dịch Covid-19. Tuy nhiên, khả năng phục hồi kinh tế nhanh là rất mong manh bởi các nền kinh tế phát triển - đặc biệt là những bạn hàng và đối tác của Trung Quốc - đang tê liệt vì dịch bệnh. Nhu cầu nước ngoài sụt giảm trở thành “cú sốc thứ hai” đánh vào nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của Trung Quốc.
Nợ Trung Quốc sẽ càng phình to vì nguồn thu sụt giảm và chi tiêu tăng cao. Nợ doanh nghiệp, nợ địa phương và nợ xấu của các ngân hàng là những “virus tài chính” có thể đánh sập hệ thống tài chính - ngân hàng Trung Quốc. Nợ doanh nghiệp phi ngân hàng tăng từ 93% GDP năm 2009 lên 153% năm 2019.
Trong khi đó, nợ của các chính quyền địa phương sẽ tăng vọt vì các dự án đầu tư hạ tầng để kích thích kinh tế. Riêng khối nợ này đã lên đến gần 5.700 tỷ USD, tương đương gần 40% GDP Trung Quốc năm 2019.
Virus tài chính nguy hiểm không kém virus sinh học
S&P Global Ratings khẳng định các dự án của chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc là nguồn gốc của “khối nợ ẩn” ngày càng phình to. Các địa phương muốn chi tiêu nhiều hơn nhưng nguồn thu từ bán đất đang sụt giảm. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết doanh thu từ bán đất sụt 16,4% trong 2 tháng đầu năm.
Các ngân hàng thương mại Trung Quốc cũng đối mặt với những thử thách cực lớn khi nợ xấu tăng vọt. Ngay cả trước dịch Covid-19, hệ thống ngân hàng nước này cũng đã bị coi là “quả bom hẹn giờ” khi chính phủ phải ra tay giải cứu một số nhà băng cỡ vừa gặp khủng hoảng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc năm 2019 cho biết 586 trong số 4.400 nhà băng nước này là “rủi ro cao”. Thống kê của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cho thấy từ giữa năm ngoái, nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã tăng mạnh.
Theo South China Morning Post, chính phủ Trung Quốc đang đối mặt với thế lưỡng nan: chấp nhận suy giảm kinh tế kỷ lục hoặc kích thích ồ ạt và đối mặt nguy cơ châm ngòi quả bom tài chính khổng lồ.
Trên thực tế, Trung Quốc vẫn có 3.100 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Do đó, các chuyên gia dự báo Bắc Kinh sẽ kích thích kinh tế bất chấp các rủi ro. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc sửa đổi ngân sách 2020, nâng thâm hụt từ 3% GDP lên 3,5% để có tiền đổ vào các gói kích thích. Giới chuyên gia phương Tây cho rằng thâm hụt tài khóa thực tế của Trung Quốc có thể tăng lên cao hơn nhiều so với mức 4,9% hồi năm ngoái.
Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại chấp nhận tỷ lệ nợ xấu cao hơn để ngăn chặn nguy cơ hàng chục nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ sụp đổ. Bắc Kinh đã tăng tốc phát hành trái phiếu. Do đó, nợ Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong những tháng tới.
“Nhưng chính quyền Bắc Kinh cần cẩn trọng, bởi lần này các biện pháp tài khóa của họ sẽ bị hạn chế. Họ sẽ chỉ hỗ trợ được nguồn cung trong nước, chứ không thể làm được gì để thay đổi nhu cầu nước ngoài. Cần nhớ rằng một con virus tài chính cũng có độc lực, khả năng lây lan và chết chóc không kém gì virus sinh học”, South China Morning Post nhấn mạnh.