Dịch COVID-19: Châu Á có thêm nhiều ca nhiễm mới
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện - Ảnh: AFP/TTXVN
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS CoV-2 gây ra vẫn đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới, trong đó châu Á có thêm nhiều ca nhiễm mới.
Theo thống kê của worldometers, tính đến 17 giờ chiều 11/4 (theo giờ Việt Nam), châu Á đã có tổng cộng 276.710 ca nhiễm mới, trong đó có 3.339 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ, thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 40 ca tử vong và 1.035 ca mắc COVID-19, mức tăng mạnh nhất theo ngày, nâng tổng số ca mắc bệnh ở Ấn Độ. Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Maharashtra là bang bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 1.666 ca. Số ca mắc COVID-19 ở thủ đô New Delhi đã tăng thêm 183 ca, tổng cộng lên hơn 900 ca.
Trong khi đó, Thủ hiến bang Punjab Amarinder Singh tuyên bố đã có những dấu hiệu cho thấy bang này đang tiến đến giai đoạn lây nhiễm cộng đồng, đồng thời dẫn dự báo của các chuyên gia và nhà khoa học cho rằng đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng giữa tháng Chín tới và có thể sẽ ảnh hưởng đến 58% dân số Ấn Độ.
Trong ngày 11/4, một số nước và vùng lãnh thổ khác tại khu vực Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19.
Indonesia ghi nhận thêm 330 ca mắc COVID-19 và 21 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh đến nay tại nước này lên 3.842 ca và 327 ca tử vong.
Lào ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh đến nay ở nước này lên 18 ca.
Philippines công bố thêm 26 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 247 người. Số ca nhiễm mới trong ngày 233 ca, và tổng số bệnh nhân hiện là 4.428 người.
Bộ Y tế Malaysia cũng thông báo 184 ca nhiễm mới và 3 trường hợp tử vong. Hiện số bệnh nhân COVID-19 tại nước này là 4.530 người.
Ngày 11/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi người dân trên cả nước đảm bảo thực thi nghiêm túc biện pháp giãn cách xã hội, không tới các tụ điểm đông người như quán bar và nhà hàng để ngăn ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan trên diện rộng.
Lời kêu gọi toàn dân trên khắp cả nước hãy ở trong nhà vào buổi tối được đưa ra sau khi nước này đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 tỉnh, thành khác hồi tuần trước. Tokyo, hiện là tâm dịch tại Nhật Bản, đã ghi nhận thêm hơn 190 ca mắc COVID-19 ngày 11/4, vượt con số kỷ lục 189 ca mắc mới của một ngày trước đó.
Tại Thái Lan, phần lớn các tỉnh của nước này đã cấm bán đồ uống có cồn, hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ không tổ chức các lễ hội trong dịp Tết cổ truyền Songkran (lễ hội té nước mừng Năm mới). Tại thủ đô Bangkok, lệnh cấm bán rượu, bia và rượu mạnh trong 10 ngày đã có hiệu lực vào ngày 10/4.
Bộ Nội vụ Thái Lan cho biết khoảng 47 trong số 77 tỉnh của nước này đã thực hiện lệnh cấm này tới ngày 25/4 hoặc cho đến hết tháng. Tết cổ truyền Songkran thường được tổ chức từ ngày 13-15/4. Tuy nhiên, năm nay Chính phủ Thái Lan đã chính thức hoãn kỳ nghỉ và hoạt động té nước trên toàn quốc dịp Tết Songkran do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Chính phủ cũng yêu cầu người dân hạn chế về quê đón Tết.
Ngày 11/4, Thái Lan ghi nhận thêm 45 ca mới mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 2.518 ca trong khi có 35 ca tử vong.
Reuters đưa tin, Bộ Y tế Iran cho biết, ngày 11/4 tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 ở nước này đã tăng lên 4.357 người, khi ghi nhận thêm 125 ca tử vong trong 24 giờ đồng hồ qua. Người phát ngôn bộ trên Kianoush Jahanpur cho hay, số ca mới nhiễm SARS-CoV-2 ở Iran đã tăng 1.837 trong 24 giờ đồng hồ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 70.029 người.
Trong khi đó, từ ngày 11/4, Israel bắt đầu thử nghiệm điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bằng huyết tương lấy từ bệnh nhân đã bình phục. Một nữ bệnh nhân mắc COVID-19 ở Jerusalem đã bình phục quyết định hiến tặng huyết tương theo lời kêu gọi của Bộ Y tế Israel.
Lực lượng Cấp cứu Quốc gia Israel (MDA) đã đưa người phụ nữ này tới trung tâm hiến máu chiều 10/4. Số máu này đã được đưa tới phòng thí nghiệm để xử lý trước khi được dùng để điều trị. Đối tượng được lựa chọn để điều trị là một bệnh nhân nam 29 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch. Huyết tương hiện được một số nước thử nghiệm điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Phương pháp này đã được chứng minh có hiệu quả đối với một số bệnh truyền nhiễm như bại liệt, sởi và cúm. MDA dự kiến sẽ thu thập thêm huyết tương từ các bệnh nhân COVID-19 đã bình phục.
Tại Israel, đến nay đã có 10.505 ca mắc COVID-19, trong đó có 95 ca tử vong, 191 ca nguy kịch với 132 người phải sử dụng máy thở. Số ca bình phục tại Israel đến nay là 1.236 người. Bộ Y tế Israel dự báo số ca tử vong do COVID-19 có khả năng tăng mạnh trong 10 ngày tới.
Ngày 11/4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 510 ca tử vong do bệnh COVID-19. Đây là mức tử vong thấp nhất trong ngày kể từ hôm 23/3 tại Tây ban Nha và nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia châu Âu này lên 16.353 người. Trong khi đó, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở Tây Ban Nha đã lên tới 161.852 người, so với 157.022 người hôm 10/4.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Liên bang Nga cho biết tính đến trưa 11/4, trong một ngày tại nước này đã ghi nhận thêm 1.667 ca mắc COVID-19 tại 49 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca mắc bệnh lên tới 13.584 ca tại 82 chủ thể liên bang. Tổng cộng 1.045 người đã khỏi bệnh và 106 người đã tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, các ca mắc COVID-19 chủ yếu vẫn được ghi nhận tại thủ đô Moscow với 1.030 ca, nâng tổng số ca mắc bệnh tại thành phố này lên 8.852 ca. Tiếp đến là tỉnh Moscow với 152 ca; TP St. Petersburg - 80 ca; tỉnh Nizhny Novgorod - 33 ca; tỉnh Bryansk - 26 ca. Trong một ngày qua cũng có 12 ca tử vong và 250 bệnh nhân khỏi bệnh, trong đó thủ đô Moscow có 149 ca, TP St. Petersburg có 31 ca.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)