Dịch COVID-19: Công ty thứ hai ở Đức được cấp phép thử nghiệm lâm sàng vaccine trên người
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 17/6, Viện nghiên cứu Paul-Ehrlich (PEI) cho biết Công ty công nghệ sinh học CureVac của Đức đã được cấp phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là công ty thứ hai ở Đức, sau công ty công nghệ BioNTech, được cấp phép cho hoạt động nghiên cứu này.
Trong một tuyên bố, Viện nghiên cứu Paul-Ehrlich cho biết quyết định cấp phép trên được đưa ra sau khi cơ quan này đánh giá cẩn thận hồ sơ về những lợi ích và rủi ro của các công ty xin cấp phép. Theo PEI, các cuộc thử nghiệm lâm sàng về vaccine phòng COVID-19 trên người là một "cột mốc quan trọng" trong tiến trình cho phép một loại vaccine an toàn và hiệu quả phòng căn bệnh nguy hiểm này tới người dân ở Đức nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung. PEI cũng cho biết 168 tình nguyện viên khỏe mạnh đã đăng ký tham gia cuộc thử nghiệm và 144 người trong số này sẽ được tiêm loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 do công ty CureVac điều chế.
CureVac là một trong nhiều công ty trên thế giới đang chạy đua phát triển vaccine phòng COVID-19. Hồi giữa tháng 5 vừa qua, công ty có trụ sở ở Tübingen đã công bố kết quả tiền lâm sàng tích cực về dự án bào chế vaccine của mình. Trước đó, CureVac thông báo có thể sẽ sản xuất hàng loạt một loại vaccine chống virus SARS-CoV-2 nếu hoạt động thử nghiệm vaccine liều thấp của họ thành công. Lãnh đạo công ty CureVac hy vọng sẽ giới thiệu một loại vaccine thử nghiệm vào tháng 6 hoặc tháng 7. Sau đó họ sẽ xin phép các cơ quan quản lý để thử nghiệm trên con người. Hôm 15/6 vừa qua, Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức thông báo Chính phủ nước này sẽ chi 300 triệu euro (337 triệu USD) để mua 23% cổ phần của CureVac, trong bối cảnh một số nguồn tin cho thấy Mỹ đang để mắt tới công ty này cùng chương trình điều chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2.
Trước đó hồi tháng 4, công ty công nghệ BioNTech, có trụ sở ở thành phố Mainz của Đức, đã được Viện nghiên cứu PEI cấp phép tiến hành thử nghiệm vaccine phòng SARS-CoV-2 có tên gọi BNT162. Các thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ được thực hiện với khoảng 200 người khỏe mạnh ở độ tuổi từ 18-55. Trong trường hợp các thử nghiệm cho kết quả tích cực, sẽ có thêm nhiều đối tượng, kể cả nhóm bệnh nhân có nguy cơ, được tiếp tục thử nghiệm với một liều vaccine tối ưu từ 1-100 microgram ở giai đoạn 2. Nghiên cứu trên của công ty BioNTech là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên tại Đức có liên quan tới vaccine phòng virus SARS-CoV-2. BioNTech đang xin cấp phép để thực hiện nghiên cứu lâm sàng ở Mỹ. Hiện công ty này cũng đã hợp tác với công ty dược phẩm Trung Quốc Fosun để phát triển vaccine BNT162 tại Trung Quốc - nơi Fosun có nguyện vọng tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Cũng trong ngày 17/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi công dân nước này tiếp tục thận trọng và tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội, đồng thời cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp hiện ở mức thấp và trở nên ổn định. Sau khi thảo luận với thủ hiến của 16 bang của Đức, Thủ tướng Merkel cũng cho hay tất cả các bên đã nhất trí gia hạn lệnh cấm đối với các sự kiện lớn, ít nhất cho tới cuối tháng 10 nhằm tránh một đợt dịch COVID-19 mới bùng phát.