Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành phía Nam lại thắt chặt dịch vụ

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày qua, các tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Vĩnh Long siết các hoạt động, dịch vụ.

Từ 0h ngày 22/11, UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ đối với quán bar, karaoke, vũ trường, massage, Internet, trò chơi điện tử trên toàn địa bàn tỉnh.

Dịch bệnh COVID-19 các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Các cơ sở dịch vụ ăn uống không tiếp quá 20 người cùng thời điểm; không phục vụ rượu bia và đảm bảo giãn cách 1,5 m giữa người với người, khách phải tuân thủ 5K.

Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; cưới, hỏi, hiếu hỷ, tang chế; nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng không bị cấm nhưng chỉ được tổ chức ở quy mô dưới 20 người và đảm bảo tuân thủ nguyên tắc 5K. Sự kiện nào tổ chức hơn số người kể trên phải được chính quyền địa phương chấp thuận.

Tây Ninh có gần một tháng triển khai quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với Covid-19. Tuy nhiên, thời gian gần đây số ca F0 tăng cao trong cộng đồng, các khu công nghiệp tăng cao do nhiều người chủ quan, lơ là phòng dịch. Tỉnh ghi nhận hơn 20.200 ca nhiễm, 206 người tử vong.

Trong khi đó, sau hơn một tháng nới lỏng phòng chống dịch, thích ứng an toàn, UBND tỉnh Lâm Đồng quy định người dân từ vùng dịch trở về phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ) từ ngày 21/11.

Động thái được tỉnh đưa ra sau khi số ca nhiễm liên tục tăng những ngày qua, nguồn lây chủ yếu từ người vùng dịch trở về. Đến nay, tỉnh nam Tây Nguyên này ghi nhận gần 2.000 ca mắc Covid-19, nhiều nhất là TP Đà Lạt với hơn 500 ca.

Ngoài ra, Lâm Đồng còn yêu cầu các tổ chức đơn vị tự xét nghiệm nhanh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 3 ngày một lần. Người đến liên hệ công tác phải tiêm đủ số mũi vaccine và xét nghiệm âm tính trong thời hạn quy định.

Bình Thuận yêu cầu dừng các dịch vụ không thiết yếu, người dân không ra đường từ 19h đến 5h. Các địa phương không cho người ra vào vùng đỏ, trừ các trường hợp đặc biệt.

Cửa hàng ăn uống chỉ được bán trực tuyến, giao hàng qua shiper hoặc đội giao hàng của Đoàn thanh niên.

Người dân chỉ ra khỏi vùng đỏ khi có việc thật cần thiết và phải đảm bảo điều kiện: có một trong 3 giấy chứng nhận (tiêm đủ hai liều vaccine, khỏi Covid-19 và giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 giờ); hoặc giấy xác nhận được ra ngoài của cơ quan chức năng, giấy xác nhận của địa phương cho cơ sở kinh doanh. Người dân chỉ được đi chợ khi có giấy do địa phương cấp.

Đến nay Bình Thuận ghi nhận 11.767 ca Covid-19, 95 người tử vong, toàn tỉnh được đánh giá "vùng cam". Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 tại Bình Thuận đạt 92,5%, mũi 2 đạt 32,9%.

Ở khu vực miền Tây, sau khi ghi nhận tổng cộng hơn 9.300 ca nhiễm, Bạc Liêu yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung trên 10 người kể cả trong nhà và ngoài trời, ngoài phạm vi công sở, cơ sở y tế, điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Người dân không được ra đường từ 20h đến 4h trừ một số lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, khẩn cấp.

Cán bộ, nhân viên nhà nước không được ra khỏi tỉnh khi chưa được phép; không tham dự đám, tiệc trừ đám tang, tiệc cưới trong phạm vi gia đình mình, trong đó cố gắng thu xếp không tổ chức tiệc cưới trong thời gian này...

Các quán ăn, nhà hàng chỉ được bán mang về, hoạt động từ 4h đến 19h. Chợ truyền thống, chợ đầu mối phải được phân luồng và kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch. Chính quyền các xã, phường, thị trấn phát phiếu đi chợ (hoặc các hình thức khác phù hợp) cho các hộ gia đình trên địa bàn.

Tỉnh yêu cầu dừng các hoạt động: vũ trường, karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử; dịch vụ làm tóc, cắt tóc, làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện. Các chốt kiểm soát, chốt chặn được thiết lập ở nhiều khu vực, địa bàn diễn biến dịch phức tạp...

Trong khi đó, trong 10 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Vĩnh Long ghi nhận gần 300 ca mắc mới, trong đó phần lớn trong cộng đồng và tại các bệnh viện. Riêng tối 20/11, tỉnh ghi nhận hơn 250 ca mắc mới.

Hiện tỉnh Vĩnh Long có 10 xã phường thuộc cấp độ 4, phần lớn thuộc thành phố Vĩnh Long, và một phần thuộc các huyện Long Hồ, Mang Thít và huyện Tam Bình; 40 xã phường thuộc cấp độ 3; toàn tỉnh được đánh giá cấp độ 2.

Để phòng ngừa dịch bệnh tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ phục vụ mang về, tiếp tục dừng các hoạt động vui chơi giải trí, đồng thời đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin đại trà toàn dân.

"Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho các cấp ủy tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Mặc dù đã tiêm vaccine rồi nhưng không chủ quan lơ là, mất cảnh giác mà phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Chỉ đạo các ngành có kế hoạch triển khai phương án sản xuất, sản xuất thì phải an toàn. Triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động", ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dich-covid-19-dien-bien-phuc-tap-nhieu-tinh-thanh-phia-nam-lai-that-chat-dich-vu-post167970.html