Dịch COVID-19: EU đình chỉ các quy tắc về ngân sách, cho phép tự do chi tiêu
Phóng viên TTXVN tại Brussels đưa tin, trong cuộc họp trực tuyến ngày 23/3, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý đình chỉ các quy tắc nghiêm ngặt về quản lý thâm hụt công của khối, lần đầu tiên trong lịch sử cho phép các quốc gia thành viên tự do chi tiêu để giải quyết những tác động của đại dịch COVID-19.
Theo thông cáo chung sau cuộc họp, "điều khoản thoát hiểm" mang lại cho các chính phủ sự linh hoạt cần thiết để thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết hỗ trợ các hệ thống bảo vệ sức khỏe và an sinh cũng như bảo vệ nền kinh tế của EU. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết các điều kiện cho thấy châu Âu đang trải qua một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) nói riêng và EU nói chung.
Các bộ trưởng tài chính EU sẽ tiếp tục họp trực tuyến trong ngày 24/3 để thảo luận về những biện pháp khác với mục đích hợp lực chống lại hiểm họa về một cuộc suy thoái trên toàn bộ lục địa và cả nền kinh tế thế giới.
Biện pháp tình thế này khiến sự giám sát chặt chẽ của Brussels đối với chi tiêu của các quốc gia tạm thời được đóng băng. Điều này được đặc biệt chào đón ở Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 và là nước thường bị “tuýt còi” vì vi phạm các quy tắc của khối. Pháp và Bỉ cũng đã bỏ qua các quy định của EU khi thông báo hàng chục tỷ euro tiền bổ sung chống đại dịch, vốn đang làm ngưng trệ nền kinh tế của các nước này. Nước Đức, thường rất chặt chẽ về cân bằng ngân sách, đã mở kênh riêng với thông báo dành 156 tỷ euro cho các khoản vay mới nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Ngừng các quy tắc tài khóa là nỗ lực lớn nhất của các quốc gia thành viên EU để cùng nhau đối mặt với tai họa của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố gói kích thích tiền tệ trị giá 750 tỷ euro để trấn an thị trường và giải phóng các ngân hàng với khoản cho vay 1,8 nghìn tỷ euro.
"Điều khoản thoát hiểm" được tạo ra vào năm 2011 ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone. Các quy tắc về nợ và thâm hụt đã được thắt chặt trong một nỗ lực bảo vệ khối tiền tệ chung khỏi những cú sốc tiếp theo. "Điều khoản thoát hiểm" cũng cho phép các quốc gia chi tiêu không giới hạn cho thiết bị y tế, thực thi các biện pháp cách ly và mở rộng các bệnh viện.
Hiệp ước bình ổn và tăng trưởng của EU về mặt lý thuyết giới hạn thâm hụt ngân sách hàng năm của một quốc gia thành viên ở mức 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ tích lũy có mức trần là 60%. Italy đã vi phạm trần nợ hơn gấp đôi trong những năm gần đây.