Dịch COVID-19: Gói ghém niềm riêng, dành yêu thương cho Đà Nẵng
Khi các bác sỹ, điều dưỡng trở về bên gia đình thì những ngày tháng làm việc gian khổ, hy sinh trong một cuộc chiến đặc biệt sẽ là những ký ức không thể nào quên.
Các bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng vào chi viện cho Đà Nẵng mỗi người một hoàn cảnh nhưng tất cả đều đặt chuyện riêng tư nhờ người thân gánh đỡ.
Các anh chị đã ở nơi tuyến đầu để chia sẻ với đồng nghiệp, cùng chung sức bảo vệ nhân dân thành phố bên sông Hàn chiến đấu với đại dịch COVID-19.
Gói ghém niềm riêng
Những câu chuyện của bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng không còn là chuyện riêng tư mà trở thành câu chuyện chung của một gia đình lớn, bởi tất cả đều đưa ra quyết định và lên đường vào Đà Nẵng trong vòng chưa đầy 24 giờ đồng hồ. Ngóng đợi các anh chị ở hậu phương là vợ trẻ, con thơ hoặc bố mẹ đang cần người chăm sóc.
Cùng là đồng nghiệp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp nên bác sỹ Hoàng Thị Vân (Khoa Cấp cứu) thấu hiểu và động viên chồng là bác sỹ Lương Duy Thịnh (Khoa Hồi sức Tích cực Ngoại) vững tâm tình nguyện vào Đà Nẵng chống dịch.
Hai bác sỹ vừa kết hôn khoảng 2 tháng. Họ xác định có thể thời gian anh hỗ trợ thành phố bạn sẽ dài hơn cả những ngày mặn nồng ban đầu.
Bác sỹ Hoàng Thị Vân cho biết quyết định của chồng chị đưa ra rất nhanh chóng. Ngay sau khi bệnh viện phát động chương trình tình nguyện vào Đà Nẵng, anh đăng ký rồi mới gọi điện thông báo với vợ và gia đình.
Chị Vân động viên, cùng chồng chuẩn bị hành lý để ngày hôm sau anh Thịnh lên đường. Mỗi ngày, vợ chồng bác sỹ Vân nói chuyện qua điện thoại. Tất cả các cuộc gọi chị đều phải đợi do thời gian làm việc của anh không chủ động, luôn phải mặc quần áo bảo hộ khi làm nhiệm vụ.
Điều dưỡng Vũ Duy Hải (Khoa Quốc tế) Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp giấu nỗi nhớ con, nhớ gia đình mỗi khi gọi điện thoại về nhà. Anh luôn mỉm cười trò chuyện với bố mẹ, vợ và con nhỏ mới 6 tháng tuổi.
Khi chúng tôi đến thăm, chị Nguyễn Thị Hải Yến, vợ anh Hải đang nói chuyện với chồng. Nghe giọng bố qua điện thoại, con trai anh chị nhoẻn miệng cười, với tay lấy màn hình điện thoại u ơ “nói chuyện” với bố.
Chị Yến kể hằng ngày chồng chị vẫn tranh thủ gọi điện về cho vợ và gia đình bất cứ khi nào có thể. Niềm mong mỏi giản đơn của vợ chồng chị là dịch bệnh mau qua để cả nhà quây quần bên nhau, con trai được bố ôm vào lòng.
Đến thăm các gia đình bác sỹ, điều dưỡng, ai cũng xúc động trước sự đóng góp lặng lẽ của những "chiến sỹ áo trắng."
Mẹ chồng chị Lương Thị Liên, bác sỹ Khoa nội 2, cho biết con gái chị Liên mới 2 tuổi. Chồng chị Liên là công an, thường xuyên vắng nhà nên mọi việc trong gia đình đều do ông bà nội quản lý trong thời gian con dâu đi vắng.
Chị Đồng Thị Tuyết, điều dưỡng Trung tâm Ung bướu, gửi một con về quê để bà ngoại hỗ trợ, cháu lớn ở cùng bà nội. Anh Đặng Quốc Trung, điều dưỡng Khoa ngoại, 10 nuôi con một mình. Anh gửi con trai để ông bà nội chăm sóc trong điều kiện bố anh Trung bị lao phổi lâu năm, mẹ anh bị thoát vị đĩa đệm, đi lại khó khăn
Trước khi rời Hải Phòng vào Đà Nẵng, bác sỹ Đặng Duy Nhất (Khoa Bệnh nhiệt đới) đã chia sẻ: “Anh chị em trong đoàn mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng xong chúng tôi đều đặt cái chung lớn lên trên hết. Các bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp xác định, khi nào Đà Nẵng hết dịch, đoàn mới trở về.”
Lời hứa của hậu phương
Ông Vũ Duy Phong, bố điều dưỡng Vũ Duy Hải, cho biết: "Khi Hải quyết định đi Đà Nẵng, do thời gian quá gấp, gia đình không kịp suy nghĩ gì, chỉ biết động viên Hải và đồng nghiệp vào vùng dịch "chân cứng đá mềm. Qua xem truyền hình, gia đình tôi biết, đồng nghiệp của Hải rất vất vả, khó khăn để chống đỡ với đại dịch. Sự tiếp sức của anh em, đồng nghiệp Hải Phòng cùng các địa phương khác sẽ giúp Đà Nẵng mau chiến thắng dịch bệnh. Trong thời điểm khó khăn chung của đất nước, mỗi người cần hy sinh một phần hạnh phúc riêng tư để người này là động lực của người kia.”
Theo bác sỹ chuyên khoa II Lương Ngọc Thắng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng: Trước ngày các đồng nghiệp lên đường, điều động viên người đi là lời hứa của đồng nghiệp ở hậu phương sẽ có mặt ở gia đình các anh, chị bất cứ lúc nào. Đến thời điểm này, điều kiện vật chất ủng hộ từ phía bệnh viện mới chỉ là một món tiền nhỏ cùng những bộ trang phục bảo hộ tốt nhất để các anh, chị yên tâm làm việc.
Chúng tôi tin tưởng, khi đã xung phong, tình nguyện, các bác sĩ, điều dưỡng đã chọn phần nhọc nhằn, gian khó về phía mình để Đà Nẵng được sẻ chia, để mỗi chúng ta nhân lên tình đoàn kết, đùm bọc vì Đà Nẵng nói riêng, vì cả nước nói chung.
Trước ngày 33 bác sỹ, điều dưỡng của Hải Phòng lên đường tới Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố Hải Phòng gặp mặt và khẳng định, các anh chị là cầu nối để thêm một nữa thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa hai thành phố kết nghĩa Hải Phòng- Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành căn dặn các anh, chị luôn cẩn trọng, giữ vững tinh thần để chiến đấu với dịch bệnh và xác định tinh thần làm việc dài ngày đến khi Đà Nẵng khống chế được dịch bệnh.
Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng Nguyễn Quang Diện tin tưởng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của đoàn bác sỹ, điều dưỡng Hải Phòng, các anh chị sẽ có những đóng góp tích cực để giúp đồng nghiệp thành phố bạn chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tốt nhất.
Anh Nguyễn Quang Diện cũng gửi lời động viên các bác sĩ, điều dưỡng vững tâm làm việc, bởi ở hậu phương, gia đình, đồng nghiệp, các tổ chức đoàn thể luôn sát cánh, dõi theo. Các bạn đoàn viên tại cơ sở sẽ có mặt ở gia đình các anh, chị như người thân của gia đình. Tất cả chung một niềm tin, với sự góp sức của đoàn Hải Phòng cũng như các thầy thuốc tình nguyện của các địa phương khác đến hỗ trợ Đà Nẵng, dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi.
Khi các bác sỹ, điều dưỡng trở về bên gia đình thì những ngày tháng làm việc gian khổ, hy sinh trong một cuộc chiến đặc biệt sẽ là những ký ức không thể nào quên của những năm tháng tuổi trẻ đã sống xứng danh.