Dịch COVID-19: Hungary đóng cửa biên giới, Đức đối phó biểu tình
Hungary một lần nữa đóng cửa biên giới từ ngày 1/9 nhằm ngăn làn sóng mới của dịch COVID-19, trong khi đó, cảnh sát Berlin chuẩn bị đối phó khả năng xảy ra bạo lực trong các cuộc biểu tình ngày 29/8.
Ngày 28/8, Hungary tuyên bố đóng cửa biên giới một lần nữa bắt đầu từ ngày 1/9 do lo ngại làn sóng mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại nước này.
Chánh văn phòng Nội các của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Gergely Gulyas nêu rõ: "Từ ngày 1/9, công dân nước ngoài sẽ không được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Hungary. Các công dân Hungary trở về từ nước ngoài sẽ phải cách ly 14 ngày hoặc phải trình 2 lần xét nghiệm âm tính (với virus SARS-CoV-2)."
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cảnh sát thủ đô Berlin đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra bạo lực trong các cuộc biểu tình ngày 29/8 với sự tham gia của hàng nghìn người để phản đối các biện pháp hạn chế do đại dịch COVID-19.
Phát biểu họp báo, đại diện của cảnh sát Berlin cho biết sẽ có trên 3.000 cảnh sát được triển khai và họ được quyền áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng.
Đây là bước đi cần thiết do người biểu tình đã kêu gọi tự vũ trang khi xuống đường, đặt ra áp lực và thách thức lớn cho lực lượng cảnh sát.
Căng thẳng tại Berlin gia tăng sau khi chính quyền thủ đô ra lệnh cấm các hoạt động biểu tình, ban đầu dự kiến diễn ra ngày 28/8, do lo ngại những người tham gia sẽ không tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 như không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách.
Lệnh cấm đã tạo ra làn sóng phản đối dữ dội và đã có thêm hàng nghìn đơn xin tổ chức biểu tình vào cuối tuần.
Những người phản đối thậm chí còn kiện quyết định của chính quyền Berlin lên Tòa án Hành chính cùng cấp và thắng kiện sau đó.
Hiện, cảnh sát Berlin đã kháng cáo quyết định của Tòa án Hành chính Berlin lên Tòa án Hành chính cấp cao (OVG) và đang chờ kết quả.
Trong trường hợp OVG ra phán quyết cho phép người dân được biểu tình, cảnh sát chỉ được can thiệp khi người tham gia biểu tình không tuân thủ các quy định về giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.
Cảnh sát ước tính sẽ có khoảng 20.000 người tham gia biểu tình tại địa điểm trên Phố 17/6, gần Cổng thành Brandenburg ở Berlin.
Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát do hãng Politbarometer thực hiện được kênh truyền hình ZDF của Đức công bố ngày 28/8 cho thấy phần lớn người dân Đức đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy 77% trong tổng số 1.300 người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng dịch COVID-19 của chính phủ, đặc biệt khi số ca nhiễm mới đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại trong những tuần gần đây. Số ý kiến phản đối chỉ chiếm khoảng 21%.
Theo Viện nghiên cứu Robert Koch (RKI), hôm 22/8, lần đầu tiên kể từ tháng Tư vừa qua, số ca lây nhiễm mới tính theo ngày ở Đức đã vượt ngưỡng 2.000 trường hợp.
Trước tình hình trên, ngày 27/8, tại cuộc họp trực tuyến kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các thủ hiến 16 bang ở Đức đã nhất trí thắt chặt hơn nữa một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó đưa ra mức phạt tối thiểu 50 euro (khoảng 59 USD) đối với những trường hợp không chấp hành quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Cũng theo cuộc khảo sát, 70% số người được hỏi ủng hộ việc hạn chế số lượng người tham dự các lễ kỷ niệm do cá nhân tổ chức trong khi có tới 79% số người ủng hộ việc giới hạn và kiểm soát chặt chẽ hơn các sự kiện công cộng.
Trước đó tại cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Merkel và lãnh đạo các bang ở Đức cũng đạt được sự đồng thuận về việc kéo dài lệnh cấm tổ chức các sự kiện lớn đến hết ngày 31/12.
Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận chung về mức giới hạn số người tham gia các sự kiện cá nhân.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng cho thấy có 42% ý kiến ủng hộ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, trong khi số người phản đối chiếm 48%.
Ngoài ra, chỉ 37% người dân Đức ủng hộ đề xuất đeo khẩu trang bắt buộc đối với học sinh và giáo viên trong lớp học trong khi có tới 58% ý kiến bác bỏ đề xuất này.
Được biết, hiện chỉ có bang Nordrhein-Westfalen, bang đông dân nhất của Đức là đưa ra yêu cầu bắt buộc học sinh và giáo viên phải đeo khẩu trang trong lớp học. Tuy nhiên, yêu cầu này sẽ được dỡ bỏ vào đầu tháng Chín tới./.