Dịch Covid-19 khiến lao động trẻ càng khó tìm việc
Theo Tổng cục Thống kế, vấn đề đáng quan ngại của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 là một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ ...
Dịch Covid-19 khiến lao động trẻ càng khó tìm việc.
Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi
Thông thông tin từ Tổng cục Thống kê (GSO), trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.
Theo đó, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam trước khi dịch Covid-19 xuất hiện ở các quý năm 2019 chỉ ở mức 4%. Tuy nhiên tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, chiếm 4,8% vào quý I/2020 và tăng lên mức cao nhất là 6,2% vào quý II/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát.
Khi các hoạt động kinh tế – xã hội dần được khôi phục vào cuối năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm xuống còn 4,4% vào quý IV năm 2020 và tăng lên 4,9% vào quý I/2021 khi dịch Covid-19 quay trở lại.
Đáng chú ý, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng Quý I/2021 của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (5,0% so với 4,9%), của lao động nam cao hơn lao động nữ (5,2% so với 4,6%).
Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi (53,2%), trong khi đó lực lượng lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 36%.
Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ và trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện, việc nghiên cứu các chính sách để tận dụng nhóm lao động này càng trở nên cần thiết, Tổng cục Thống kê khuyến nghị.
Theo lý giải của Tổng cục thống kê, lao động tự sản tự tiêu là lao động sản xuất ra sản phẩm với mục đích chủ yếu để cá nhân, gia đình sử dụng. Quyết định về sản xuất của lao động tự sản tự tiêu chủ yếu hướng về bản thân và gia đình nên thường đặc trưng bởi tính khép kín, tính phi lợi nhuận đi kèm với hiệu quả thấp và năng suất không cao.
Chính vì vậy, khi kinh tế và cách mạng khoa học công nghệ phát triển, hình thức sản xuất này ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, với một nước đang phát triển như Việt Nam, số người làm các công việc này trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng vẫn còn khá cao.
Bình quân, mỗi tuần lao động nữ mất gần 20 giờ cho công việc không được trả lương
Ước tính, số lao động sản xuất tự sản tự tiêu quý I/2021 là 3,5 triệu người, chiếm khoảng 4,7 phần trăm số người từ 15 tuổi trở lên, tăng 113 nghìn người so với quý trước và tăng 84,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động này hầu hết nằm ở khu vực nông thôn và có gần 2/3 số người tự sản tự tiêu quý I/2021 là nữ giới. Lao động tự sản tự tiêu chủ yếu thuộc độ tuổi từ 50 trở lên (chiếm 59,4%). Tỷ lệ lao động tự sản tự tiêu trên dân số cao nhất thuộc về nhóm 60-64 tuổi (9,9%).
Số liệu thống kê cho thấy, trong số 3,5 triệu lao động tự sản tự tiêu, có hơn 200 nghìn lao động tự sản tự tiêu hiện tại vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm 5,8%).
Đặc biệt, số giờ làm việc nhà bình quân của lao động tự sản tự tiêu là 16,4 giờ (tương đương khoảng 2,3 giờ/ngày). Lao động nữ giới tự sản tự tiêu không chỉ tham gia làm việc nhà nhiều hơn nam giới mà số giờ làm việc bình quân của họ cũng cao hơn rất nhiều so với nam giới.
Bình quân, mỗi tuần, lao động nữ giới tự sản tự tiêu phải dành 19,3 giờ cho các công việc không được trả công trả lương trong gia đình trong khi con số này ở nam giới là 11,3 giờ.
Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản, tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 93,5%). Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động sẽ trở nên khó khăn hơn, GSO nêu thực trạng.
Theo Tổng cục Thống kê, những con số về tình hình lao động việc làm quý I/2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. Những khó khăn này là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch.
Trước tình hình đó, GSO đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường. Đầu tiên, tích cực nghiên cứu triển khai ngay việc cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế để giúp ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng không bỏ lỡ cơ hội để phục hồi và phát triển.
Các ngành này phát triển sẽ thu hút lượng lớn lao động tham gia, góp phần tận dụng tốt hơn tiềm năng sẵn có của lao động.CÙng với đó, hiện nước ta vẫn còn 3,5 triệu lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp với mục đích chủ yếu để bản thân và gia đình sử dụng.
Khoảng 93,5% lao động tự sản tự tiêu không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và hơn một nửa trong số họ đang trong độ tuổi lao động.
“Đây là nguồn tiềm năng vô cùng phong phú có thể tận dụng để phát triển. Vì vậy, Nhà nước cần triển khai những chính sách dành riêng để thu hút đối tượng này tham gia thị trường lao động, một mặt góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung và một mặt giúp cải thiện đời sống của người lao động”, GSO nhấn mạnh.