Dịch Covid-19 khiến nhu cầu dùng Mobile Money ngày càng hiện hữu
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, việc phát triển dịch vụ Tiền di động (Mobile Money) đang được xem là một nhu cầu cấp thiết cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, mới đây vừa đưa ra báo cáo nhanh về dịch vụ Mobile Money. Nhóm nghiên cứu nêu rõ, Mobile Money là dịch vụ tương đối mới, tuy nhiên có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai xét về cả phía cung và cầu.
Cụ thể, về phía cung, Việt Nam có lượng lớn thuê bao điện thoại, khoảng 129,5 triệu thuê bao (theo TCTK, 2019); trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao, mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng smartphones (chiếm 45% dân số năm 2019), Việt Nam đang ở mức trung bình khu vực, cao hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Thái Lan. Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao (70,3%) tương ứng 68,5 triệu người dùng internet năm 2019.
Nhiều công nghệ tiên tiến đang được áp dụng như xác thực sinh trắc (vân tay, khuôn mặt...); mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization). Viettel và VNPT đã được NHNN cấp giấy phép cung cấp dịch vụ Trung gian thanh toán (TGTT). Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư cũng đang được xây dựng, có thể hoàn thành trong năm 2020, phục vụ việc định danh cá nhân trực tuyến (e-KYC).
Về phía cầu, còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Hiện nay, theo NHNN, tính đến tháng 11/2019 mới có khoảng 63% người lớn (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng; còn theo Ngân hàng Thế giới (WB) thì tỷ lệ này khoảng 40% (2017), thấp hơn so Trung Quốc (80%) và Châu Á Thái Bình Dương (70%).
Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam năm 2019 là 11,33% (giảm 0,45% so 2018), phải phấn đấu quyết liệt mới có thể đạt mục tiêu khoảng 10% cuối năm 2020 theo định hướng Chính phủ. Tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông/GDP của Việt Nam năm 2019 là 20,2%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, phát triển các hình thức thanh toán mới, hiện đại (trong đó có Mobile Money) phục vụ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện (Financial Inclusion) cũng là một trong các mục tiêu trọng tâm của Chính phủ tại Chiến lược phát triển tài chính toàn diện đã được ban hành tháng 1/2020.
Cuối cùng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp với nhiều nguồn lây lan khác nhau, trong đó giao dịch tiền mặt cũng là một nguyên nhân. Chính phủ nhiều nước đã hạn chế dùng tiền mặt, giảm thiểu rủi ro lây lan. Với Việt Nam, Chính phủ đã có yêu cầu tại Chỉ thị 11 (ngày 4/3/2020) cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Mobile money. Bản thân người dân, doanh nghiệp cũng đã giao dịch trực tuyến nhiều hơn. Ngoài ra, với gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 61,5 ngàn tỷ đồng hướng đến khoảng trên 10 triệu người lao động yếu thế, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhu cầu dùng Mobile money ngày càng hiện hữu.
Mặc dù vậy, theo nhóm nghiên cứu, việc phát triển mobile money tại Việt Nam cần lưu ý 6 thách thức chính. Một là, thói quen thanh toán dùng tiền mặt ở Việt Nam không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều. Hai là, với đặc thù là sản phẩm công nghệ cao, được cung cấp chủ yếu qua các nhà mạng, việc giám sát và quản lý mobile money cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công An…v.v. Ba là, nếu việc định danh khách hàng, quản lý sim rác và giao dịch ẩn danh không được thự hiện chặt chẽ, Mobile money có thể là kênh để "Rửa giao dịch", ảnh hưởng đến công tác phòng chống rửa tiền.
Bốn là, phát triển mạng lưới đại lý sẽ phát sinh rủi ro liên quan đến trình độ, năng lực, nhận thức và trách nhiệm của mạng lưới này. Năm là, nếu không có phương án quản lý và bảo mật phù hợp, tiền của khách hàng nguy cơ bị mất, có thể bắt nguồn từ phía nhà cung cấp, đại lý, tội phạm công nghệ thông tin hoặc thậm chí là những người thân. Sáu là, môi trường pháp lý cho Mobile money còn chưa hoàn thiện, đồng bộ.
Để triển khai dịch vụ Mobile money trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng và Chính phủ đã thống nhất gói hỗ trợ an sinh xã hội cho khoảng hơn 10 triệu người lao động, nhóm tác giả kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hạn chế nhiều rủi ro liên quan đến các giao dịch, tăng cường các tiện ích cho người dùng cũng như hoàn thiện khung khổ pháp đối với dịch vụ Mobile Money.