Dịch Covid-19 khiến Trung Quốc buộc phải cải thiện chất lượng vệ sinh các khu chợ
Do các ca mắc Covid-19 mới tại Bắc Kinh liên tục tăng lên trong những ngày gần đây, Trung Quốc buộc phải cải thiện tiêu chuẩn vệ sinh tại các khu chợ.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại chợ Tân Phát Địa, Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh khâu kiểm tra chất lượng vệ sinh ở các khu chợ. (Nguồn: Getty)
Số liệu của Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh cho thấy, trong các ngày 11-15/6, Bắc Kinh ghi nhận 106 trường hợp mắc Covid-19, chủ yếu có liên quan đến khu chợ đầu mối Tân Phát Địa. Do đó, ngày 16/6, Bắc Kinh cảnh báo, tình hình ở đây "hết sức nghiêm trọng", buộc chính quyền phải tiến hành xét nghiệm quy mô lớn và áp đặt phong tỏa nhiều khu vực.
Theo Reuters, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cho biết chất lượng vệ sinh kém ở các khu chợ đầu mối và những bất cập trong chuỗi cung ứng thực phẩm cần phải được giải quyết khẩn cấp, sau khi Bắc Kinh ghi nhận hàng trăm ca nhiễm Covid-19 mới. Theo đó, việc dịch Covid-19 tái bùng phát là minh chứng rõ ràng cho việc cải thiện khẩn cấp các tiêu chuẩn vệ sinh và giảm thiểu rủi ro y tế tại các khu chợ.
Trong một báo cáo được công bố trên trang chủ ngày 17/6, CCDI cho rằng đại dịch Covid-19 không chỉ phơi bày sự mất vệ sinh và lộn xộn của các khu chợ đầu mối mà còn cả thực trạng quản lý kém chất lượng.
Các khu chợ thực phẩm của Trung Quốc được coi là nơi sản sinh ra virus SARS-CoV-2, hiện đã lây nhiễm cho hơn 8 triệu người trên toàn thế giới. Ổ dịch lớn đầu tiên được phát hiện là chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Ngoài ra, khu chợ này còn bày bán dơi và một số động vật hoang dã khác.
Đồng thời, báo cáo của CCDI đã nhấn mạnh hầu hết các chợ tại Trung Quốc được xây dựng từ khoảng 20 đến 30 năm trước, khi mà hệ thống thoát nước và xử lý nước thải chưa được chú tâm xây dựng.
Giáo sư Đại học Nông nghiệp Trung Quốc An Ngọc Phát đề xuất, các khu chợ cần phải tuân theo quy tắc quốc tế trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như có hệ thống sổ sách chi tiết về lưu trữ, vận chuyển và bán hàng.
Tuần vừa qua, các quan chức của thành phố Vũ Hán đã lấy 3.000 mẫu từ dụng cụ, thớt và cống ở 114 chợ nông sản và 107 siêu thị để kiểm tra các nguồn lây nhiễm mới. Tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Trước đó, Trung Quốc đưa ra lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ các loại động vật hoang dã nhằm giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh, ngoại trừ việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã trong y học cổ truyền.