Dịch COVID-19 làm gia tăng khoảng cách giáo dục
OECD đánh giá, dịch COVID-19 khiến việc học trực tuyến trở thành xu thế mới, nhưng nó cũng tạo ra khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa các nước trên thế giới.
OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) vừa công bố báo cáo PISA (kết quả đánh giá học sinh quốc tế) liên quan đến dịch COVID-19.
Báo cáo phân tích trên dữ liệu của khoảng 600.000 học sinh 15 tuổi ở 79 quốc gia và vùng lãnh thổ; chủ yếu nói về nguồn lực công nghệ dành cho việc học trực tuyến.
OECD nhận định, dịch COVID-19 khiến trường học toàn thế giới đóng cửa, giáo viên, học sinh phải nhanh chóng thích nghi với việc dạy và học trực tuyến.
Tuy nhiên, COVID-19 đã tạo nên sự chênh lệch lớn về công nghệ, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên, học sinh trong từng quốc gia và so sánh với nhiều nước trên thế giới. Tính trung bình ở 34 nước OECD, hầu như mỗi học sinh 15 tuổi có một máy tính ở trường phục vụ cho mục đích giáo dục. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, người đứng đầu các nhà trường cho biết máy tính không tốt.
Ông Andreas Schleicher, Giám đốc OECD về giáo dục và kỹ năng cho rằng, cuộc khủng hoảng này bộc lộ nhiều bất cập và bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục trên toàn thế giới.
Như ở Brazil, 68% học sinh ở các trường thuận lợi, có quyền truy cập vào các thiết bị kỹ thuật số đủ mạnh. Nhưng ở các trường khó khăn, tỷ lệ này chỉ đạt 10%. Ở Tây Ban Nha, tỷ lệ này là 70%- 30%.
Năng lực sử dụng công nghệ của giáo viên rất khác nhau. Trung bình các nước OECD, 65% học sinh 15 tuổi được học ở trường có giáo viên có kỹ năng sư phạm và kỹ thuật cần thiết để tích hợp thiết bị kỹ thuật số trong giảng dạy. Tuy nhiên, tỷ trọng này khác nhau đáng kể giữa các trường có điều kiện kinh tế - xã hội và các trường khó khăn.
Tại Việt Nam, theo số liệu của báo cáo PISA, việc học trực tuyến phòng chống COVID-19 có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, Việt Nam có 79,7% học sinh học trong các trường có tốc độ Internet đủ mạnh. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%) và chỉ thấp hơn 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Một số nơi có tỷ lệ học sinh được học trong trường có tốc độ Internet đủ mạnh gồm Singapore (90,3%), Lithuania (91,3%), Slovenia (90%), Đan Mạch (89,9%) hay Thụy Điển (89,1%).
Tỷ lệ học sinh học trong các trường có sẵn nền tảng hỗ trợ học tập trực tuyến hiệu quả của Việt Nam là 43,4%, thấp hơn trung bình OECD (54,1%) nhưng cao hơn rất nhiều nước, chẳng hạn cao hơn Pháp, Đức.
"Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và mọi quốc gia nên làm nhiều hơn nữa để đảm bảo tất cả trường học có đủ nguồn lực cần thiết giúp học sinh có cơ hội học tập và thành công như nhau", ông Andreas Schleicher nói.
Ngoài ra, báo cáo của OECD cũng chỉ ra nhiều khía cạnh khác như sự chênh lệch về tỷ lệ học sinh có nơi yên tĩnh ở nhà để học hay tình trạng thiếu nguồn lực vật chất, bao gồm cả nguồn lực kỹ thuật số, nhân lực giáo viên.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/dich-covid-19-lam-gia-tang-khoang-cach-giao-duc-ar572849.html