Dịch COVID-19 ngày 19/8: Trung Quốc tiết lộ giá vắc-xin Covid-19

Theo số liệu thống kê của trang Worldometers.Info, cập nhật đến sáng 19/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là hơn 22 triệu ca, trong đó có 783.349 người tử vong và hơn 15 triệu ca hồi phục.

Thế giới đang nỗ lực phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images

Thế giới đang nỗ lực phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (65.022 ca), Brazil (44.119 ca) và Mỹ (38.728 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (1.234 ca), tiếp theo là Mỹ (1.149 ca) và Ấn Độ (1.098 ca).

Xét theo khu vực, châu Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 429.135 ca tử vong trong tổng số ca nhiễm là 12.055.238 trường hợp; tiếp đó là châu Âu với 203.716 ca tử vong trên 3.223.010 ca mắc bệnh.

Châu Á xếp thứ 3 với 123.295 ca tử vong trên 5.831.417 ca bệnh; châu Phi với 26.350 ca tử vong trong tổng số 1.140.286 ca nhiễm và số ca tử vong do Covid-19 tại châu Đại dương là 464 người trên tổng số 26.025 ca mắc.

Bộ trưởng Y tế Ba Lan từ chức giữa dịch COVID-19

Cùng ngày 18/8, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Lukasz Szumowski đã thông báo từ chức. Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi Thứ trưởng Janusz Cieszynski cũng tuyên bố sẽ rời nhiệm sở.

Việc các quan chức Bộ Y tế Ba Lan từ chức diễn ra vào thời điểm ngày càng có nhiều chỉ trích về cách thức Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền ứng phó với đại dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn ở mức cao.

Trung Quốc tiết lộ giá vắc-xin Covid-19

Ngày 18/8, nhật báo Guangming dẫn lời ông Liu Jingzhen, Chủ tịch Tập đoàn Dược quốc gia Trung Quốc Sinopharm cho biết, loại vắc-xin ngừa Covid-19 do Tập đoàn này phát triển đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Ông Liu cũng cho hay, vắc-xin của Sinopharm có thể được phân phối rộng rãi từ tháng 12/2020, tròn một năm sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo quan chức của Sinopharm, để có miễn dịch, mỗi người cần tiêm 2 liều vắc-xin và mức giá sẽ “không quá cao”. "Ước tính giá mỗi mũi tiêm khoảng vài trăm Nhân dân tệ, giá 2 mũi tiêm sẽ không quá 1.000 Nhân dân tệ (144 USD)", ông Liu nói.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Trung Quốc cấp bằng sáng chế cho vắc-xin Covid-19 đầu tiên của nước này có tên gọi Ad5-nCoV. Đây là một loại vắc-xin nữa của Trung Quốc, do Công ty dược CanSino Biologics nghiên cứu, phát triển. Ad5-nCoV sẽ được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Saudi Arabia và Mexico.

Bộ trưởng Năng lượng Nga mắc Covid-19

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hôm 18/8 cho biết, Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

 Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak

Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak

Theo Bộ Năng lượng Nga, Bộ trưởng Alexander Novak không có triệu chứng bệnh và tình trạng sức khỏe ổn định. Theo dự kiến, ông sẽ tham gia cuộc họp Ủy ban giám sát hỗn hợp của OPEC thông qua cầu truyền hình vào hôm 19/8.

Trước Bộ Năng lượng Nga, nhiều quan chức tại nước này cũng đã mắc Covid-19. Chính Thủ tướng Mikhail Mishustin cũng đã nhiễm virus corona chủng mới hồi đầu tháng 5.

Cảnh báo tình trạng tấn công nhằm vào nhân viên y tế trên thế giới

Ngày 18/8, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cho biết cơ quan này đã ghi nhận hơn 600 vụ tấn công nhằm vào các nhân viên y tế liên quan đến cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đồng thời kêu gọi các quốc gia kiểm soát những thông tin sai lệch có thể kích động các hành vi bạo lực này.

Báo cáo của ICRC cho biết trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 vừa qua, cơ quan này đã ghi nhận tổng cộng 611 trường hợp bạo lực, quấy rối hoặc kỳ thị nhằm vào các nhân viên y tế, bệnh nhân và cơ sở y tế liên quan đến đại dịch tại hơn 40 quốc gia. Mặc dù vậy, ICRC cho rằng con số này trên thực tế có thể cao hơn nhiều.

 Nhân viên y tế làm việc tại Seattle, Mỹ. Ảnh: Brian Snyder / Reuters file.

Nhân viên y tế làm việc tại Seattle, Mỹ. Ảnh: Brian Snyder / Reuters file.

Theo ICRC, hơn 20% số các trường hợp liên quan đến các vụ tấn công thể xác, trong khi 15% là các vụ phân biệt đối xử "dựa trên nỗi sợ hãi", và 15% là các cuộc tấn công hoặc đe dọa bằng lời nói.

Xét trong số các vụ việc tập trung vào một người cụ thể, có tới 67% các trường hợp nhằm mục tiêu vào nhân viên y tế, trong khi gần 25% nhằm vào những người bị ốm, trong đó bao gồm cả những bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19, và 5% nhằm vào những người phải di dời và tị nạn.

Các y bác sĩ ở khắp nơi trên thế giới lan truyền thông điệp: "We stay at work for you. Please stay at home for us". (tạm dịch: Chúng tôi đi làm vì bạn. Xin hãy ở nhà vì chúng tôi)

Các y bác sĩ ở khắp nơi trên thế giới lan truyền thông điệp: "We stay at work for you. Please stay at home for us". (tạm dịch: Chúng tôi đi làm vì bạn. Xin hãy ở nhà vì chúng tôi)

Chuyên gia Esperanza Martinez - người đứng đầu bộ phận y tế của ICRC - cho biết: "Sợ mắc bệnh và thiếu kiến thức cơ bản liên quan đến COVID-19 thường là những lý do chính đằng sau những hành động bạo lực nhằm vào nhân viên y tế và bệnh nhân".

ICRC kêu gọi các chính phủ và cộng đồng mau chóng xử lý triệt để những thông tin sai lệch thúc đẩy những hành vi bạo lực, đồng thời đảm bảo rằng nhân viên y tế có thể thực hiện công việc của mình một cách an toàn.

Hà My (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/dich-covid19-ngay-198-trung-quoc-tiet-lo-gia-vacxin-covid19-537412.html