Dịch COVID-19: Nhật Bản xuất hiện dấu hiệu làn sóng lây nhiễm thứ ba

Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

* EU công bố kế hoạch thành lập Liên minh y tế

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 12/11, chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận thêm 393 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đây là ngày số ca nhiễm mới ở Tokyo đạt mức cao nhất kể từ ngày 8/8 và là ngày thứ hai liên tiếp vượt ngưỡng 300. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này hiện là 33.770 người.

Thông tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Toshio Nakagawa, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, cảnh báo sự gia tăng của số ca nhiễm mới trên khắp toàn quốc có thể báo hiệu làn sóng lây nhiễm thứ ba đã xuất hiện ở quốc gia này.

Phát biểu với các phóng viên, ông Nakagawa nói có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy về sự tái bùng phát của dịch bệnh kể từ tháng trước. Ông Nakagawa nhấn mạnh việc số ca nhiễm mới liên tục tăng nhanh trên khắp cả nước sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế.

Bộ Y tế Philippines cùng ngày thông báo ghi nhận thêm 1.407 ca nhiễm mới COVID-19 và thêm 11 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này là 402.820 ca và tổng số ca tử vong là 7.721.

Philippines có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á, sau Indonesia.

* Cũng trong ngày 12/11, Nga thông báo thêm 439 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca tử vong tính theo ngày cao nhất cho tới nay, đưa tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 ở nước này lên 32.032.

Giới chức Nga cũng thông báo thêm 21.608 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.858.568 ca.

Trước đó, ngày 11/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố các kế hoạch của ủy ban này về việc thành lập một Liên minh y tế châu Âu để Liên minh châu Âu (EU) có thể ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng y tế như dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các quan chức EU đã thừa nhận rằng khối này thiếu sự chuẩn bị cũng như sự phối hợp trong giai đoạn đầu bùng phát dịch COVID-19. Trong bài phát biểu hồi tháng 9 vừa qua, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đưa ra ý tưởng rút ra các bài học và thành lập một Liên minh Y tế.

Bà nêu rõ dịch COVID-19 đã cho thấy rõ sự cần thiết phối hợp tốt hơn trong EU, phải có hệ thống y tế linh hoạt hơn và chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Các đề xuất của EC tập trung vào việc cải thiện khung pháp lý hiện hành đối với các mối đe dọa nghiêm trọng xuyên biên giới đối với sức khỏe người dân, cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng và ứng phó với khủng hoảng của các cơ quan chủ chốt của EU, chẳng hạn Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA).

Theo Ủy viên phụ trách vấn đề y tế của EU Stella Kyriakides, trong khuôn khổ này, một hệ thống giám sát hiện đại và thông minh sẽ được tạo ra ở cấp độ EU, và các nước thành viên EU sẽ được yêu cầu đẩy mạnh việc cung cấp các dữ liệu y tế công cộng.

Ngoài ra, khối này sẽ được ban bố tình trạng khẩn cấp ở cấp độ EU và kích hoạt các cơ chế ứng phó như kho dự trữ và mua sắm chung.

Cũng trong khuôn khổ các đề xuất mới, ECDC sẽ có khà năng huy động và triển khai lực lượng y tế đặc trách để hỗ trợ các quốc gia EU và giúp xây dựng một mạng lưới các phòng thí nghiệm của EU. Trong khi đó, EMA sẽ có thể giám sát và giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cấp y tế quan trọng và phối hợp các nghiên cứu để giám sát tính hiệu quả và sự an toàn của các vắcxin.

L.H (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/248793/dich-covid-19--nhat-ban-xuat-hien-dau-hieu-lan-song-lay-nhiem-thu-ba.html