Dịch COVID-19: Romania và Tunisia tăng cường biện pháp hạn chế
Romania cũng như Tunisia đã tăng cường một số biện pháp hạn chế đà lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Romania cũng như Tunisia đã tăng cường một số biện pháp hạn chế, trong khi đó vẫn chưa rõ liệu Thủ tướng Anh Boris Johnson có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện tại xứ England trong 2 tuần tới hay không.
Theo hãng tin Reuters (Anh), Chính phủ Romania vừa ban hành các biện pháp hạn chế tăng cường mới và cũng sẽ gia hạn tình trạng báo động đến giữa tháng 11 năm nay nhằm ngăn chặn đà tăng số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2.
Giới chức sở tại ngày 13/10 cho biết kể từ 15/10 này, Chính phủ Romania sẽ cấm tất cả các sự kiện trong nhà và ngoài trời do người dân tự tổ chức; yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các địa điểm công cộng tại những thị trấn có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 trung bình trong 2 tuần qua vượt 3 ca/1.000 dân.
Hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang mới chỉ được áp dụng trên các phương tiện công cộng, các không gian công cộng trong nhà và những khu vực đông người như chợ.
Nhà chức trách Romania cũng đã quyết định linh hoạt cho phép mở cửa các nhà hát, rạp chiếu phim, quán ăn trong nhà tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại từng thành phố.
Các cơ sở kinh doanh sẽ chỉ được phép hoạt động ở mức 50% công suất so với thông thường tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm dưới 1,5/1.000 dân, trong khi mức 33% công suất được áp dụng cho các cơ sở kinh doanh tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm trung bình từ 1,5-3 ca/1.000 dân.
Romania ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày trên 3.000 ca trong một vài ngày qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 160.461 ca. Tính đến nay, đã có tổng cộng 120.515 bệnh nhân phục hồi, song 5.535 ca đã tử vong. Như vậy Romania là nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Âu.
Tại Anh, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Therese Coffey cho biết Thủ tướng Boris Johnson vẫn chưa có chủ trương triển khai lệnh phong tỏa toàn diện ở xứ England bất chấp lời kêu gọi của lãnh đạo phe đối lập.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, Bộ trưởng Coffey cho rằng dù Thủ tướng Johnson chưa có chủ trương trên, nhưng ông tin rằng trong trường hợp cần thiết, sau khi tham vấn các nhà khoa học, nhà lãnh đạo Anh vẫn có thể đưa ra quyết định như vậy.
Trước đó, Thủ tướng Johnson đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với khu vực được xếp vào nhóm có nguy cơ lây nhiễm "rất cao" theo hệ thống đánh giá gồm 3 cấp độ.
Theo đó, các khu vực này phải đóng cửa quán rượu và thực hiện các biện pháp hạn chế xã hội khác như không tổ chức tiệc cưới, đóng cửa các trung tâm thể thao trong nhà, cũng như các sòng bạc.
Tuy nhiên, các trường học, quán càphê và nhà hàng vẫn mở cửa như hầu hết các văn phòng làm việc, dù người dân được khuyến khích làm việc tại nhà.
Trong khi đó, ở Bắc Phi, Tunisia đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số vùng nhằm ngăn chặn đà tăng số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đang gây quá tải cho các bệnh viện của nước này.
Bác sỹ Maher Ayadi ngày 13/10 cho biết ít nhất 18 nghị sỹ quốc hội và 2 trợ lý đã có kết quả xét nghiệm dương tính trong những ngày gần đây.
Với nỗ lực nhằm ngăn chặn số ca nhiễm mới gia tăng, 2/3 các chính quyền tỉnh ở Tunisia đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn địa phương. Tại nhiều khu vực trong số này, một số biện pháp phòng ngừa bổ sung cũng đã được triển khai, như đóng cửa các chợ, hạn chế số lượng khách hàng tại các quán cà phê...
Tuy Thủ tướng Hichem Mechichi loại trừ việc tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện, nhưng vẫn hối thúc người dân đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng.
Tunisia đã áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt khi làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên bùng phát tại đây trong mùa Hè vừa qua, trong đó có 50 ca tử vong vì dịch bệnh này.
Tuy nhiên, kể từ khi mở lại biên giới vào tháng 6 năm nay, trung bình mỗi ngày quốc gia Bắc Phi ghi nhận trên 1.000 ca mắc mới COVID-19 và đến nay đã có tổng cộng 478 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến các bệnh viện tại Tunisia vốn thiếu thốn y bác sỹ và trang thiết bị y tế rơi vào tình trạng quá tải khi phải gồng mình tiếp nhận và điều trị lượng lớn bệnh nhân COVID-19./.