Dịch Covid-19: Sài Gòn 'đau' nhưng không đơn độc!

Một Sài Gòn 'băng bó' vì Covid-19 thấy thương, thấy nhói đau, muốn làm một điều gì đó dù nhỏ nhoi cho thành phố ấy!

Đoàn y tế Hải Phòng chi viện TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Trang tin Bộ Y tế)

Đoàn y tế Hải Phòng chi viện TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Trang tin Bộ Y tế)

“Hãy trả tôi Sài Gòn với nắng vàng rực rỡ

Cùng bóng hàng cây bên hè phố thân yêu…”

Tôi chưa một lần đặt chân tới Sài Gòn, tới thành phố mang tên Bác – Hồ Chí Minh nhưng cái tên với câu chuyện của những con người nơi ấy thì luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày.

Đặc biệt, những ngày này, khi đại dịch Covid-19 khiến Sài Gòn “chao đảo”, tôi như bao triệu con tim Việt Nam khác, vì Sài Gòn mà thổn thức khôn nguôi. Một Sài Gòn “băng bó” thấy thương, thấy nhói đau và muốn làm một điều gì đó dù là nhỏ nhoi cho thành phố ấy!

Giữa Hạ, Sài Gòn vẫn nắng ngập đầu, sau những chiếc khẩu trang chỉ chừa lại đôi mắt là những khuôn mặt đã mệt mỏi và rệu rã vì vất vả mưu sinh, vì nỗi sợ hãi trước Covid-19 trong những ngày Sài Gòn “ốm”.

Gần một tháng trôi qua kể từ khi Sài Gòn áp dụng lệnh giãn cách, dịch bệnh vẫn đang không ngừng quấy phá, những con số hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày đang là một thách thức lớn với không chỉ chính quyền Thành phố mà các tỉnh thành trên cả nước.

Bởi lẽ, Sài Gòn là điểm đến của những “đứa con” tứ xứ cùng chung một giấc mơ thay đổi cuộc đời. Những người trở về từ Sài Gòn nhiễm Covid-19 cũng đang khiến số ca mắc mới ở một số địa phương gia tăng.

Thế nhưng, Sài Gòn không đơn độc!

Thời gian qua, hàng trăm chuyến xe chở những “chiến binh blouse trắng” từ khắp mọi miền của Tổ quốc về với TP. Hồ Chí Minh. Những y, bác sỹ ấy từ những miền quê khác nhau nhưng chung một điểm đến, cùng Sài Gòn thức trắng những đêm thâu, chiến đấu với kẻ thù Covid-19 trong từng hơi thở của người bệnh.

Ngày 17/7, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết đã tiếp nhận 24 đoàn với gần 4.500 nhân viên y tế từ các địa phương, bệnh viện bộ, ngành, trường cao đẳng, đại học trong cả nước đến chi viện cho ngành y tế thành phố phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó có hơn 500 bác sỹ, trên 1.200 điều dưỡng, hơn 2.600 sinh viên… Các cán bộ, nhân viên y tế đều khát khao cống hiến, có kinh nghiệm và quyết tâm cao cùng thành phố chống dịch. Họ trực tiếp hỗ trợ thành phố về điều trị, xét nghiệm, truy vết phòng, chống dịch Covid-19...

Theo lãnh đạo Sở Y tế Thành phố, ngành y tế Thành phố ghi nhận và trân trọng tình cảm đặc biệt của các địa phương, bệnh viện, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã quan tâm kịp thời hỗ trợ lực lượng cho Thành phố phòng, chống dịch Covid-19. Với sự đồng lòng, quyết tâm, chung tay hỗ trợ của các đơn vị, nhà trường, địa phương trong cả nước, Thành phố hy vọng sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Với mỗi bác sỹ, còn điều gì thiêng liêng hơn lời thề Hippocrates, theo đó họ cam kết “suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”. Tôi thấy rõ sự vô tư ấy trong nụ cười của những thầy thuốc phải xa gia đình, vợ con, người thương, đồng nghiệp… bước lên xe trong hành trình xuôi về miền Nam chống dịch. Họ bỏ lại đằng sau những lo toan bộn bề của cuộc sống đời thường để bước vào cuộc chiến trên mặt trận y tế với “kẻ thù Cô vy” vốn chẳng có “vũ khí” nhưng lại ghê gớm đến lạ!

Là hai trong số hơn 100 y bác sỹ đoàn y tế Hải Phòng chi viện TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang và Đỗ Ngọc Anh, công tác tại Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng chia sẻ: “Với tinh thần tuổi trẻ, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình, vừa giúp người dân trong đó, vừa giúp đỡ đồng nghiệp trong TP. Hồ Chí Minh. Để yên tâm vào chiến dịch, chúng tôi đã gửi hai con trai (8 tuổi và 4 tuổi) cho ông bà nội, ngoại chăm sóc giúp. Tôi có dặn các con ở nhà chăm ngoan, nghe lời ông bà để bố mẹ vững tin làm nhiệm vụ”.

Trong màu tinh khôi của blouse trắng, Lê Thị Phương Trinh sinh viên trường Đại học Y Dược Huế rạng rỡ bày tỏ: “Chuyến đi này chúng em mong rằng sẽ giúp đỡ được người dân TP. Hồ Chí Minh nói chung và đội ngũ y tế nói riêng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi, đoàn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và an toàn trở về”.

Mỗi ngõ hẻm, góc phố, vỉa hè Sài thành đều thấp thoáng những “chiến binh” màu áo xanh, áo trắng. Trong những bệnh viện dã chiến, tiếng máy thở tút tút liên hồi suốt ngày đêm làm bao người hoang hoải… nhưng chắc chắn rằng, các “chiến binh” tình nguyện luôn ở đó, không từ bỏ bất cứ một cơ hội nào để cứu sống người bệnh. Như vậy, Sài Gòn chắc chắn sẽ “sớm khỏe lại thôi”!

Thanh niên tỉnh Bình Phước chuẩn bị rau xanh gửi tặng TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tình Đoàn Bình Phước)

Thanh niên tỉnh Bình Phước chuẩn bị rau xanh gửi tặng TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tình Đoàn Bình Phước)

Chúng ta cùng vượt qua và chiến thắng

“Với Sài Gòn những ngày này xin đừng tính thời gian

Bởi bao số phận vẫn đang oằn mình để sống…”

Đã từ lâu, Sài Gòn và người lao động trở thành sợi dây liên kết, gắn chặt số phận của vùng đất đô thành phía Nam với số mệnh của hàng vạn người con xa quê. Trong dịch bệnh Covid-19, những gam màu đa dạng của cuộc sống nơi đây mới trở nên thật rõ, mỗi người, mỗi cảnh. Nhiều khu chợ vốn là nơi nương tựa của hàng nghìn lao động phải đóng cửa vì dịch bệnh, đẩy không ít người vào cảnh “màn trời, chiếu đất”. Những người thu mua giấy vụn, bán vé số, bán hàng rong ven đường…, họ đều đang cần giúp đỡ!

Nhưng Sài Gòn, một lần nữa, hãy yên tâm bởi Sài Gòn không một mình chiến đấu! Tinh thần đùm bọc, chở che lẫn nhau của người Việt bao đời nay vẫn thế và nó càng sục sôi hơn mỗi khi đất nước đứng trước những khó khăn, thử thách.

Hàng chục chuyến xe nghĩa tình từ các tỉnh, thành đã chuyên chở rau củ, cá tươi, trứng… về TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân an tâm chống dịch.

Cuối tuần qua, chuyến xe nghĩa tình đầu tiên của tuổi trẻ Bình Phước đầy ắp rau quả vừa đến TP. Hồ Chí Minh, gửi gắm nhiều thông điệp yêu thương của thanh niên và nhân dân Bình Phước đã đến thành phố mang tên Bác.

Theo anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước, chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” được Tỉnh Đoàn tổ chức nhằm gửi trao tình cảm, tấm lòng của tuổi trẻ và người dân Bình Phước đến các lực lượng trực chiến ở tuyến đầu chống dịch và người dân thành phố mang tên Bác với mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát ở TP. Hồ Chí Minh và cuộc sống bình yên sẽ quay trở lại. Chỉ sau một ngày phát động, 1.000 kg đu đủ và gần 600 kg rau xanh các loại (cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, cải ngồng, rau dền) đã được thu gom, sẵn sàng chờ giờ “xuất bến”.

Từ đất biển Bình Thuận, 4 tấn cá tươi, 4 tấn cá khô, 7.200 lít nước mắm và 500 kg thanh long sấy khô với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng góp tuần qua cũng đã đến với người dân TP. Hồ Chí Minh.

Đó là những hỗ trợ từ “tuyến ngoài”, bên trong Thành phố còn có hàng chục nhóm thiện nguyện quên ăn, quên ngủ giúp đỡ người dân. Chị Phan Thảo Phương (đồng sáng lập CLB thiện nguyện Hoa Tâm) đã làm công tác từ thiện gần 10 năm nay. Khi dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát, chị Phương cùng các bạn làm việc từ thiện trong nhóm đã tập trung lại để lên kế hoạch cặn kẽ giúp đỡ người dân khó khăn do dịch.

“Nếu lúc trước chưa có các chỉ thị giãn cách, mỗi ngày quán cơm từ thiện của chúng tôi chuẩn bị 500-700 phần ăn thì bây giờ mỗi ngày chúng tôi chuẩn bị 1000-1500 phần ăn gửi đến các hoàn cảnh khó khăn cũng như hỗ trợ các y bác sỹ, những nơi phong tỏa, nhiều nhất là ở khu vực Quận 4 nơi mà quán cơm đặt địa chỉ hoạt động”, chị Phương chia sẻ về công tác hỗ trợ giữa mùa dịch.

Vừa rồi, tôi nghe tin 106 bệnh nhân nặng, nguy kịch điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh đã hồi phục “thần kỳ” dưới bàn tay của các y, bác sỹ.

Nhiều điều kỳ diệu khác sẽ đến với thành phố mang tên Bác để sớm thấy trở lại một đô thị “khỏe mạnh”, năng động và tràn đầy sức sống.

Rồi sẽ có ngày những chiến binh áo trắng trở về quê hương với nụ cười chiến thắng và một nỗi nhớ Sài Gòn khôn nguôi. Ngày đó sẽ sớm thôi!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dich-covid-19-sai-gon-dau-nhung-khong-don-doc-152423.html