Dịch COVID-19 sáng 19/2: Mỹ ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.924.291 ca mắc COVID-19 và 10.259 ca tử vong, nâng số ca mắc lên 421.944.104 ca và 5.891.940 ca tử vong. Số ca hồi phục là 346.492.418 ca.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 19/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 421.944.104 ca mắc COVID-19 và 5.891.940 ca tử vong. Số ca hồi phục là 346.492.418 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.924.291 ca mắc COVID-19 và 10.259 ca tử vong. Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên thế giới, với 80.024.531 ca mắc và 958.300 ca tử vong, ghi nhận số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới, với 2.070 ca. Trong khi đó, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 206.037 ca.
Tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp tại nhiều nước châu Á. Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trên 100.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này có thêm 102.211 ca mắc mới, trong đó có 102.072 lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 1.858.009.
Số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 71 ca. Tính đến nay, tổng số ca tử vong tại Hàn Quốc là 7.354 ca và tỷ lệ tử vong là 0,4%.
Trong bối cảnh số ca mắc mới hằng ngày đang tăng chóng mặt, nhà chức trách Hàn Quốc bắt đầu tiến hành giám sát việc mua bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 khi nguồn cung trong nước hạn chế.
Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cho biết cơ quan y tế sẽ kiểm tra toàn bộ 75.565 nhà thuốc cùng các cửa hàng tiện lợi CU và GS25, là những nơi có bán các bộ sinh phẩm xét nghiệm để đảm bảo tuân thủ quy định mới về giới hạn số lượng bán lẻ mặt hàng này.
Ngoài ra, cơ quan y tế cũng quy định giá trần bán lẻ của một bộ sinh phẩm xét nghiệm là 6.000 won (khoảng 5 USD) để hạn chế việc trục lợi từ nâng giá sản phẩm.
Theo quy định của chính phủ Hàn Quốc, từ ngày 20/2, mỗi cá nhân chỉ được mua tối đa 5 bộ sinh phẩm xét nghiệm tại một điểm bán lẻ và việc bán hàng online hoàn toàn bị cấm.
Quy định này sẽ có hiệu lực trong 3 tuần, trong khi quy định về giá trần có hiệu lực đến ngày 5/3 nhưng có thể được thay đổi tùy theo tình hình thực tế.
Trong bối cảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ công bố kế hoạch "sống chung an toàn với COVID-19" ở vùng England vào ngày 21/2 tới, các nhà khoa học Anh cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 sẽ gia tăng trở lại nếu như chấm dứt đột ngột các quy định về làm xét nghiệm COVID-19 và cách ly.
Cảnh báo này cũng phù hợp với hướng dẫn cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó nói rõ việc gián đoạn hay rút ngắn các biện pháp xét nghiệm và cách ly sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trở lại.
Các chuyên gia trong Nhóm khoa học lập mô hình đại dịch cúm của chính phủ Anh (SPI-M-O) dẫn phân tích của Đại học Warwick chỉ ra rằng các biện pháp phòng dịch COVID-19 (bao gồm xét nghiệm, tự cách ly, đeo khẩu trang, làm việc tại nhà và thay đổi hành vi của người dân) đã giúp làm giảm mức độ lây nhiễm từ 20-45%. Tuy nhiên, nếu các biện pháp này bị rút lại, tỷ lệ lây nhiễm có khả năng tăng lên từ 25-80%.
Chưa kể, các yếu tố khác như khả năng miễn dịch suy giảm và sự xuất hiện của các biến thể mới cũng sẽ góp phần đẩy nhanh lây lan dịch bệnh. Hiện biến thể BA.2, dòng phụ của biến thể Omicron, đang tăng mạnh ở Anh so với các biến thể khác.
Cùng chung quan điểm này, Tiến sỹ Chaand Nagpaul - Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Y tế Anh (BMA) - cũng bày tỏ lo ngại về những thay đổi trong quy định xét nghiệm và cách ly.
Dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, Tiến sỹ Nagpaul cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 tại Anh trong tuần trước là 1/20 người. Số người nghỉ việc do COVID-19 cũng đang ở mức rất cao.
Vì thế, việc sống chung với COVID-19 không có nghĩa sẽ bỏ qua tác hại của bệnh dịch với nhiều người và dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ cần thiết đối với những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những người mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài./.