Dịch COVID-19 sáng 2/8: Thế giới ghi nhận gần 199 triệu người mắc bệnh
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 463.095 ca mắc mới và 7.244 ca tử vong. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là gần 180 triệu ca.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 2/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã có tổng cộng gần 199 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 4.239.692 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 463.095 ca mắc mới và 7.244 ca tử vong. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là gần 180 triệu ca.
Đợt dịch lần thứ tư đang bùng phát trở lại tại nhiều nước trên thế giới, với số ca mắc theo ngày tăng nhanh so với thời điểm một tháng trước.
Biến thể Delta với tốc độ siêu lây nhiễm, phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ được xem là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát lần này.
Đông Nam Á đang là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó Indonesia là quốc gia có số ca mắc cao nhất khu vực.
Mặc dù số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã giảm trong 24 giờ qua, nhưng vẫn đứng đầu khu vực, với 30.738 ca mắc 1.604 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm virus tại nước này lên 3.440.396, trong đó 95.723 người không qua khỏi.
Malaysia là có số ca mắc theo ngày cao thứ hai với 17.150 và 160 ca tử, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.130.422, trong đó 9.184 ca tử vong.
Philippines cũng ghi nhận tới 8.735 ca mắc và 127 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm virus tại nước này lên 1.597.689, trong đó có 28.016 ca không qua khỏi.
Tính theo khu vực, châu Á hiện là nơi có số ca nhiễm virus cao nhất thế giới, với 62.280.968 mắc và 900.686 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, có tới 252.758 ca mắc mới và 3.963 ca tử vong. Ấn Độ vẫn là quốc gia đứng đầu với 31.695.368 ca mắc và 424.808 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực có số ca mắc đứng thứ hai thế giới, với 51.584.667 ca, nhưng lại là khu vực đứng đầu thế giới về số ca tử vong với 1.134.188 ca. Nga là nước có số ca nhiễm cao nhất với 6.288.677 ca, trong đó có 159.352 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 22.804 ca mắc và 789 ca tử vong.
Tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với 42.627.741 ca mắc và 941.060 ca tử vong. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 35.768.924 ca mắc và 629.380 ca tử vong. Hiện tốc độ tiêm chủng đang chậm lại khiến số người mắc mới có chiều hướng tăng trở lại, với 21.768 ca trong 24 giờ qua.
Do biến thể Delta lây lan nhanh và làm giảm hiệu quả của vaccine, một số nước đã tính đến việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân.
Chính phủ Anh đang lên kế hoạch thực hiện chương trình tiêm mũi vaccine thứ ba cho 32 triệu dân bắt đầu từ tháng 9 nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trước lo ngại hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 có thể bắt đầu giảm.
Chương trình dự kiến sẽ bắt đầu sau ngày 6/9, với mục tiêu mỗi tuần thực hiện tiêm mũi vaccine thứ 3 cho gần 2,5 triệu người từ 50 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch.
Chính phủ Anh hiện đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine khác loại với 2 mũi tiêm đầu, sau khi các thử nghiệm ban đầu cho thấy việc trộn vaccine có thể kích thích phản ứng miễn dịch cao hơn. Điều này có nghĩa là việc sử dụng vaccine AstraZeneca cho mũi thứ 3 sẽ giảm đáng kể.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng thông báo chính phủ nước này quyết định tiêm mũi thứ ba với vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca để tăng kháng thể cho những người đã tiêm hai mũi trước bằng vaccine của Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch vào khoảng 500.000 đến 1 triệu người, đặc biệt là tuyến đầu ở biên giới Thái Lan - nơi dịch COVID-19 đang lây lan mạnh, sẽ được ưu tiên tiêm phòng mũi thứ ba.
Sau đó, 9 triệu người khác đã tiêm hai mũi vaccine của Sinopharm và Sinovac sẽ được tiêm nhắc lại.
Ông cũng đề nghị tiểu ban phòng chống dịch nghiên cứu sử dụng loại vaccine phù hợp để tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm hai mũi vaccine của AstraZeneca./.