Dịch COVID-19: Súng là nhu yếu phẩm, vẫn được mở bán ở Mỹ
Dù hàng loạt doanh nghiệp ở Mỹ phải đóng cửa vì dịch COVID-19, các cửa hàng súng vẫn được mở bán bên cạnh cơ sở kinh doanh thực phẩm, rượu và thuốc chữa bệnh.
Nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, 42 tiểu bang của Mỹ đã yêu cầu người dân ở trong nhà và đóng cửa nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ súng tại ít nhất 30 tiểu bang của nước này vẫn được mở cửa kinh doanh, theo đài NBC News.
Súng là nhu yếu phẩm
Tại Mỹ, súng vẫn được xem là sản phẩm thiết yếu, bên cạnh thực phẩm, thuốc chữa bệnh và rượu.
Trong một cuộc họp báo cuối tháng trước, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy nói rằng súng là sản phẩm thiết yếu. Các cửa hàng súng sẽ được liệt vào danh sách các doanh nghiệp được mở cửa, trong khi toàn bộ các doanh nghiệp khác sẽ phải tạm ngưng hoạt động để hạn chế lây lan dịch bệnh COVID-19.
"Đây không phải là quyết định của tôi, nó là quyết định cấp liên bang” - ông Phil Murphy nói.
Ông Murphy trước đây đã không coi súng đạn là sản phẩm thiết yếu, nhưng sau đó ông bị các nhóm sử dụng súng kiện và buộc phải thay đổi quyết định của mình.
Tại bang Pennsylvania, Thống đốc Tom Wolf hôm 19-3 đã ban hành lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu, trong đó bao gồm các cửa hàng súng. Tuy nhiên, ông Wolf sau đó đã bị một nhóm ủng hộ quyền sử dụng súng, Liên minh chính sách vũ khí và một công ty luật dân quyền đệ đơn kiện, cáo buộc ông Wolf đã vượt quyền, vi phạm hiến pháp.
Sau đó, ông Wolf đành sửa đổi lại danh sách các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong mùa dịch COVID-19, trong đó cho phép các cửa hàng súng được hoạt động trở lại trong những trường hợp nhất định.
Hầu hết tại các bang, các thống đốc cũng bị mơ hồ khi định nghĩa như thế nào là doanh nghiệp thiết yếu. Khi ban bố “lệnh ở nhà”, các chính trị gia mặc định rằng chỉ các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng rượu và hiệu thuốc sẽ được tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, các nhóm ủng hộ quyền sử dụng súng nắm bắt sự mơ hồ này và yêu cầu công nhận súng là sản phẩm cần thiết.
Tại bang California, Thống đốc Gavin Newsom đã lệnh cho các doanh nghiệp quan trọng phải đóng cửa từ ngày 19-3, tuy nhiên ông lại để cho các quan chức địa phương quyết định loại doanh nghiệp nào là thiết yếu. Điều này dẫn đến sự không nhất quán trong quyết định của các quan chức.
Chẳng hạn, Cảnh sát trưởng TP Los Angeles (bang California) Alex Villanueva cho biết ông sẽ đóng cửa các cửa hàng bán lẻ súng, trong khi cảnh sát trưởng của thành phố San Diego (bang California) nói rằng ông sẽ không đóng cửa hàng súng vì họ cung cấp một "dịch vụ công cộng có giá trị".
Các nhóm ủng hộ quyền sử dụng súng, bao gồm Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) sau đó đã đệ đơn kiện quyết định nói trên của thành phố Los Angeles.
Đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang Los Angeles, trích dẫn Điều bổ sung sửa đổi thứ 2 của Hiến pháp Mỹ có đề cập việc “đảm bảo quyền được sở hữu và mang theo vũ khí của người dân”.
Hồ sơ dài 30 trang cũng lập luận rằng việc sử dụng một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng làm vỏ bọc chính trị để áp đặt các lệnh cấm và hạn chế người dân với các quyền mà họ được phép là điều bất hợp pháp.
Ông Villanueva đã thay đổi quyết định ban đầu của mình sau khi tham vấn các luật sư hàng đầu của thành phố.
Tại bang New York, Thống đốc Andrew Cuomo cũng gặp phải vấn đề tương tự như vậy. Ông đã bị NRA kiện vì đã không liệt các cửa hàng súng vào nhóm doanh nghiệp thiết yếu.
Đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang ở New York, cáo buộc thống đốc đã "đình chỉ vô thời hạn một thành phần quan trọng trong Điều bổ sung sửa đổi thứ 2 của Hiến pháp Mỹ”.
Đơn kiện cũng nói rằng Thống đốc Cuomo đang cố bảo vệ các cửa hàng rượu và thả tội phạm ra đường, nhưng lại phớt lờ sự phản đối của công chúng về việc xâm phạm Điều sửa đổi thứ 2.
Trước đó, ông Cuomo đã đưa rượu vào danh sách các doanh nghiệp thiết yếu và ra lệnh thả một số tội phạm không nguy hiểm do lo ngại lây lan dịch COVID-19 trong nhà tù.
Vẫn chưa rõ quyết định của toàn án liên bang ở New York ra sao, nhưng cả Văn phòng Thống đốc Cuomo và NRA đều không trả lời phỏng vấn của NBC News về vụ kiện kể trên.
Lượng súng bán ra cao kỷ lục
Những nỗ lực đấu tranh của các nhóm ủng hộ quyền sử dụng súng cho thấy nhu cầu sử dụng vũ khí của người dân Mỹ rất cao, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ đang diễn biến phức tạp.
Trong ba tháng vừa qua, số người mua súng ở Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục. Số lượng hồ sơ kiểm tra lý lịch trước khi mua súng tăng cao nhất từ trước đến nay.
Theo thống kê của Cục Điều tra Liên bang (FBI), đã có 3,7 triệu hồ sơ yêu cầu kiểm tra lý lịch vào tháng trước. Số hồ sơ này cao hơn 1,1 triệu hồ sơ so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao kỷ lục kể từ khi hệ thống kiểm tra lý lịch nhanh của Mỹ được đưa vào hoạt động năm 1998.
Bên cạnh đó, cổ phiếu của các công ty sản xuất súng đạn đang tiếp tục tăng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm mạnh vì đại dịch.
Trước tình hình đó, các nhóm ủng hộ kiểm soát súng đạn lại chỉ trích mạnh mẽ các quyết định cho phép các cửa hàng bán súng tiếp tục hoạt động.
“Thay vì lắng nghe lập luận của những nhóm sử dụng súng, các nhà lãnh đạo nên nghe theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, những người có thể đánh giá đúng nhất về nguy cơ lây lan dịch bệnh” - bà Hannah Shearer, Giám đốc phụ trách kiện tụng của nhóm an toàn súng Giffords.
Everytown for Gun Safety, một nhóm vận động kiểm soát súng quốc gia, dẫn lời các chuyên gia nói rằng nếu thời gian người dân bị buộc ở trong nhà kéo dài, nguy cơ bạo lực gia đình, các vấn đề sức khỏe tâm thần như tự tử sẽ gia tăng và nếu họ có sẵn súng thì tình trạng có thể tồi tệ hơn.
Nhóm này cũng lập luận rằng Tu chính án thứ 2 chỉ đảm bảo quyền được sở hữu và mang theo vũ khí của người dân, chứ không nói rằng cửa hàng bán súng là doanh nghiệp thiết yếu trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
“Đạo luật được áp dụng rộng rãi cho hàng ngàn doanh nghiệp để làm giảm sự lây lan của COVID-19, chứ không làm suy yếu quyền lợi của bất cứ ai” - ông Eric Tirschwell, Giám đốc điều hành của nhóm pháp lý của Everytown for Gun Safety.