Dịch COVID-19 tác động thế nào đến ngành chế biến thực phẩm Canada?
Theo Giám đốc điều hành ETG Commodities Inc, một số biện pháp mà các nước áp dụng trong đại dịch đang có lợi cho các nhà xuất khẩu thực phẩm Canada.
Đại dịch COVID-19 làm gia tăng căng thẳng trong giao thương ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu. Ngành nông nghiệp Canada cũng không phải là ngoại lệ khi đối mặt với một loạt thách thức mới.
Theo bà Claire Citeau, Giám đốc điều hành Liên minh thương mại chế biến thực phẩm (CAFTA), đại dịch lần này là phép thử đối với các mối quan hệ quốc tế, làm gia tăng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, cũng như đặt ra nhu cầu phải chuyển đổi dây chuyền cung ứng.
Đã có những dự báo về khả năng thương mại toàn cầu có thể sụt giảm tới 32% trong năm nay. Cuộc khủng hoảng này cũng sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm của Canada - vốn từng đạt kim ngạch xuất khẩu 60 tỷ CAD (44,9 tỷ USD) trong năm 2019.
Bà Citeau cho biết trước khi đại dịch bùng phát, ngành chế biến thực phẩm tăng trưởng mạnh nhất trong nền kinh tế Canada. Nhưng ở thời điểm hiện nay, dịch COVID-19 đang làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa trên quy mô toàn cầu cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất-nhập khẩu thực phẩm.
Ông Rav Kapoor, Giám đốc điều hành ETG Commodities Inc. cho biết khi xảy ra đại dịch, một số thị trường xuất khẩu của Canada vận hành theo hướng "phòng thủ", và an toàn thực phẩm trở thành một trong những mối quan ngại chính. Trước đại dịch, các nhà sản xuất không cần chú trọng nhiều đến thiết bị bảo hộ cá nhân. Nhưng nay, những người xử lý thực phẩm cần mặc đồ bảo hộ cá nhân và các cơ sở sản xuất cần được làm vệ sinh với tần suất dày hơn.
Để ứng phó với đại dịch, một số nước đã cấm hoạt động xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung trong nước, ví dụ như Kazakhstan hạn chế xuất khẩu bột mì, trong khi Nga cấm xuất khẩu ngũ cốc.
Theo ông Kapoor, một số biện pháp mà các nước áp dụng trong đại dịch đang có lợi cho các nhà xuất khẩu thực phẩm Canada. Chẳng hạn như trước đại dịch, Ấn Độ áp mức thuế 30% đối với đậu lăng. Sau khi đại dịch xảy ra, Ấn Độ đã hạ mức thuế quan trên xuống 11% trong tháng 6/2020 và dự kiến duy trì mức thuế này đến 31/8 để tăng nguồn cung.
Bà Citeau nhấn mạnh, Canada đang ở vị thế tốt khi nhiều nước trên thế giới phụ thuộc vào nông sản xuất khẩu của nước này để đáp ứng nhu cầu nội địa./.