Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 14/10: Trên 19.620 ca tử vong; Indonesia chưa có dấu hiệu 'hạ nhiệt'
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.608 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 19.620 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh.
Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi ghi nhận trên 600 ca bệnh phát sinh và 4 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại với 888 ca bệnh mới và 39 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 19.629 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 250 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 803.294 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 649.891 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Cùng ngày, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 14/10.
Số liệu dịch COVID-19 tại khu vực ASEAN ngày 14/10:
Giới chức Indonesia đã ghi nhận thêm 4.127 ca nhiễm mới trong ngày 14/10, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 344.749 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 129 ca lên 12.156 ca, đây là mức cao nhất kể từ ngày 30/9 vừa qua.
Tại Malaysia, nhà chức trách đã ghi nhận thêm 660 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 17.540 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 4 ca lên 167 ca. Thủ đô Kuala Lumpur hiện đã siết chặt hạn chế đi lại trong 2 tuần.
Tại Philippines, nước này đã có thêm 1.910 ca nhiễm mới trong ngày 14/10, mức thấp nhất trong 3 tuần, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 346.536 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 78 ca lên 6.449 ca.
Indonesia tình hình dịch bệnh nghiêm trọng đã kéo dài nhiều tháng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngày 14/10, tại Jakarta, Công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma cho biết vaccine phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Sinovac Biotech - nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc, sẽ có giá khoảng 200.000 rupiah (13,57 USD)/liều.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bio Farma, Honesti Basyir nhấn mạnh Bio Farma cam kết hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm cung cấp vaccine ngừa COVID-19 với giá cả phải chăng để bảo vệ người dân Indonesia. Ông cũng bác bỏ báo cáo cho rằng Brazil sẽ nhận được loại vaccine tương tự của Sinovac với giá chỉ 1,96 USD/liều. Theo ông Honesti, Sinovac thông báo chỉ riêng chi phí vận chuyển đã lên tới 2 USD/liều và hiện đang kiểm tra nguồn gốc của báo cáo trên.
Người đứng đầu hãng dược quốc doanh hàng đầu Indonesia khẳng định rằng quyết định giá bán vaccine COVID-19 tiềm năng dựa trên số tiền đầu tư vào giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng và kiểm tra tính hiệu quả.
Trong khi đó, Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) thông báo có kế hoạch đến thăm các cơ sở của Sinovac ở Bắc Kinh nhằm đảm bảo việc phát triển và sản xuất vaccine đáp ứng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Viện nghiên cứu đánh giá thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm thuộc Hội đồng Hồi giáo Ulema Indonesia (LPPOM MUI) cũng có kế hoạch đánh giá việc đáp ứng tiêu chuẩn halal của vaccine COVID-19.
Tính đến giữa tháng này, giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac vẫn đang được tiến hành tại huyện Bandung, tỉnh Tây Java của Indonesia, với 843 tình nguyện viên đã được tiêm mũi thứ hai, trong khi 449 người khác đang được theo dõi chuẩn bị cho mũi tiêm thứ hai.
Theo kế hoạch, ít nhất 1.620 tình nguyện viên sẽ tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng này, trong đó mỗi người sẽ được tiêm hai mũi trong vòng 6 tháng. Nhóm phụ trách cuộc thử nghiệm này cho biết hiện chưa ghi nhận bất kỳ phản ứng phụ nào trên các tình nguyện viên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Masrudi cho biết tập đoàn AstraZeneca dự kiến cung cấp 100 triệu liều vaccines COVID-19 cho nước này trong năm 2021.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Retno nêu rõ Bộ Y tế Indonesia đã ký ý định thư với AstraZeneca và "lô hàng đầu tiên sẽ được chuyển giao vào nửa đầu năm 2021".
AstraZeneca là tập đoàn dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia Anh-Thụy Điển có trụ sở chính tại Cambridge, Anh.