Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 16/11: Toàn khối 25.173 ca tử vong; Myanmar ngày càng nghiêm trọng

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.551 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 25.170 người.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 25/10/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 25/10/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 1.103 ca bệnh phát sinh và 1 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 3/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 3/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.167 ca bệnh mới và 22 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 25.173 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 118 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.062.689 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 922.689 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Campuchia, Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 16/11.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Nam Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Nam Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia, Philippines và Malaysia tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á với hàng nghìn ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 16/11.

Bộ Y tế Indonesia thông báo đã có thêm 3.535 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 470.648 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 85 ca tử vong mới do dịch bệnh nguy hiểm này, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 15.296 ca. Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.

Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Philippines cùng ngày cũng ghi nhận thêm 1.738 ca mắc và 7 ca tử vong. Hiện số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại nước này lần lượt là 409.574 ca và 7.839 ca. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cảnh báo dù cố ca mắc có xu hướng đi xuống trong những tuần gần đây, song người dân không được chủ quan và vẫn cần cảnh giác, tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cùng ngày cũng thông báo 1.103 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 48.520 ca. Ngoài ra, cũng đã có thêm 4 ca tử vong được ghi nhận, nâng số trường hợp không qua khỏi lên 313 ca.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 9/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 9/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 16/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định chỉ riêng vaccine sẽ không đủ để ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ông Tedros nêu rõ: “Vaccine sẽ bổ sung cho những công cụ còn lại mà chúng ta có, chứ không thay thế được những công cụ đó. Chỉ riêng vaccine sẽ không chấm dứt được đại dịch”. Ông Tedros cho biết nguồn cung vaccine phòng COVID-19 ban đầu sẽ hạn chế bởi các nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao khác sẽ được ưu tiên tiêm phòng. Vaccine dự kiến sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và giúp hệ thống y tế có khả năng đối phó với đại dịch.

Tuy nhiên, ông cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn có nguy cơ hoành hành, do đó người dân và các chính phủ vẫn cần cảnh giác.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dich-covid19-tai-asean-het-1611-toan-khoi-25173-ca-tu-vong-myanmar-ngay-cang-nghiem-trong-20201117005551300.htm