Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 28/9: Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp; Myanmar thành ổ dịch mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.634 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 16.360 người.

Đo thân nhiệt cho khách thăm quan phòng lây nhiễm COVID-19 tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Đo thân nhiệt cho khách thăm quan phòng lây nhiễm COVID-19 tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội, song số ca tử vong tiếp tục xu thế giảm trong những ngày gần đây.

Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Indonesia cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Singapore tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Trong khi Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận trên 110 ca bệnh trong ngày 28/9.

Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại khi ghi nhận tới trên 897 ca bệnh mới và 30 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua. Myanmar trở thành là ổ dịch mới tại Đông Nam Á.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bogor, Tây Java, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bogor, Tây Java, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 16.368 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 154 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 671.484 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 525.724 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Trong khi đó, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 28/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 28/9:

Một khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly cho những người từ nước ngoài trở về nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Một khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly cho những người từ nước ngoài trở về nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 28/9 ghi nhận thêm 22 ca nhiễm mới đều là những trường hợp từ nước ngoài về, nâng tổng số bệnh nhân được ghi nhận cho tới nay lên 3.545, trong đó có 59 người tử vong.

Ngày 28/9, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã đề xuất gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng, cho tới ngày 31/10, nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19.

Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp được Chính phủ Thái Lan ban bố từ tháng 3 vừa qua nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Sau 5 lần gia hạn, sắc lệnh sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/9. Dự kiến, việc gia hạn lần thứ 6 sắc lệnh này sẽ sớm được trình lên Nội các để thông qua.

Trước đó, một ủy ban của CCSA cho rằng việc tiếp tục gia hạn sắc lệnh nói trên là cần thiết nhằm đảm bảo sự hợp tác và tiến độ hoạt động trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 của các cơ quan chính phủ, trong bối cảnh có sự gia tăng của các ca lây nhiễm ở nước láng giềng Myanmar.

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân để phòng lây nhiễm COVID-19 tại một hội chợ ẩm thực ở Phuket, Thái Lan, ngày 13/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân để phòng lây nhiễm COVID-19 tại một hội chợ ẩm thực ở Phuket, Thái Lan, ngày 13/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Chiều 28/9, CCSA đã quyết định gia hạn lần thứ 6 sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh này. Các quan chức chính phủ cho biết với quyết định trên, sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được thực thi trên cả nước đến ngày 31/10 tới.

Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp được Chính phủ Thái Lan ban bố từ tháng 3 vừa qua nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Sau 5 lần gia hạn, sắc lệnh sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/9 này. Cùng ngày, người phát ngôn CCSA Taweesin Wisanuyothin thông báo Chính phủ Thái Lan sẽ cho phép người nước ngoài mắc kẹt tại đây tiếp tục lưu trú đến ngày 31/10 tới, trong bối cảnh hoạt động đi lại trên toàn cầu vẫn bị hạn chế do thế giới đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.

Thái Lan đã tạm dừng các chuyến bay thương mại từ tháng 4 năm nay nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan, do đó các chuyến bay hồi hương là phương tiện duy nhất để đưa người nước ngoài rời khỏi nước này. Tháng 7 vừa qua, nhà chức trách Thái Lan đã cho phép tự động gia hạn thị thực từ cuối tháng 3 đến 26/9 đối với tất cả người nước ngoài.

Kể từ tháng 10 trở đi, quốc gia này sẽ áp dụng luật di trú mới cho phép người nước ngoài xin gia hạn lưu trú thêm 60 ngày nếu không thể xuất cảnh do không có chuyến bay hoặc các nguyên nhân khác. Trước đó, để xin kéo dài thời hạn lưu trú, các công dân nước khác phải có giấy tờ hợp lệ do Đại sứ quán nước đó cấp và chỉ được ở lại Thái Lan trong vòng 30 ngày.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia ngày 10/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia ngày 10/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia thông báo có thêm 3.509 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 28/9, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại nước này lên 278.722 ca.

Ngoài ra, với thêm 87 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia đã tăng lên thành 10.473 ca. Theo đó, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca tử vong vì dịch COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 3.073 ca nhiễm mới và thêm 37 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong do dịch bệnh này tại đây lên lần lượt là 307.288 ca và 5.381 ca.

Philippines cho biết với thêm 163 bệnh nhân phục hồi, hiện đã có tổng cộng 252.665 ca bình phục tại nước này.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng ngày, Malaysia thông báo nước này sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt tại 4 huyện thuộc bang Sabah - vùng sản xuất dầu cọ lớn nhất Malaysia - sau khi ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 tại dây trong tháng 9 này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob nêu rõ trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu tại 4 huyện gồm Lahad Datu, Tawau, Kunak và Semporna sẽ phải đóng cửa trong vòng 14 ngày kể từ 29/9.

Lệnh phong tỏa từng phần này được đưa ra trong bối cảnh gần đây số ca nhiễm mới virus SARS-COV-2 gia tăng tại Malaysia và có nhiều ý kiến quan ngại rằng cuộc bầu cử cấp quốc gia kết thúc vào ngày 27/9 vừa qua sẽ càng khiến tình hình dịch bệnh càng trở nên nghiêm trọng.

Tính đến hết 28/9, Malaysia ghi nhận tổng cộng 11.034 ca mắc COVID-19, trong đó có 134 ca tử vong.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dich-covid19-tai-asean-het-289-thai-lan-gia-han-tinh-trang-khan-cap-myanmar-thanh-o-dich-moi-20200929000613987.htm