Dịch Covid-19 tái bùng phát ở châu Âu
Châu Âu đang chứng kiến làn sóng bùng phát dịch thứ hai với nhiều dấu hiệu đáng lo ngại hơn đợt đầu tiên. Các ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt đã buộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 24-9 phải đưa ra báo động về việc dịch bệnh đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3 ở một số quốc gia thành viên.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới hằng tuần tại châu Âu bắt đầu xu hướng tăng từ giữa tháng 7 và đến tuần qua đã vượt ngưỡng 300.000 ca, cao hơn mức 264.675 ca từng ghi nhận khi dịch đạt đỉnh lần đầu hồi tháng 3. Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides cảnh báo rằng, ở một số quốc gia thành viên, tình hình hiện giờ thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch đầu tiên.
Hơn một nửa các quốc gia châu Âu chứng kiến số ca bệnh tăng 10% trong 3 tuần qua. Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, Cộng hòa Séc và Malta là những quốc gia được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) liệt kê vào danh sách đặc biệt "đáng lo ngại". ECDC cho biết, 7 nước trên đã ghi nhận hoặc đang có xu hướng gia tăng các trường hợp nhập viện, các ca nặng và cả số trường hợp tử vong.
Tình hình tại các quốc gia khác như Pháp và Anh cũng không khả quan hơn. Tại Pháp, số ca nhiễm mới ngày 24-9 lên tới 16.096 ca, mức cao nhất theo ngày ở nước này kể từ khi bùng phát dịch. Sau một tuần số ca mắc mới liên tiếp hơn 10.000 ca/ngày, các số liệu cũng chỉ ra số ca nhập viện ở Pháp đang có xu hướng tăng trong tuần qua và có nơi đã gần hết giường bệnh ICU (chăm sóc đặc biệt).
Trong khi đó, Anh đã ghi nhận thêm 6.634 ca nhiễm Covid-19 ngày 24-9, mức cao chưa từng có theo ngày. Số ca mắc mới tại lục địa Anh tăng gấp đôi sau mỗi 7 ngày cùng cảnh báo số ca tử vong sẽ tăng trong vài tuần tới.
Hiện châu Âu có tổng cộng hơn 5 triệu ca nhiễm. Một số quốc gia đã bắt đầu tái áp đặt các quy định phong tỏa cục bộ để ngăn dịch bệnh lan rộng. Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều người quan tâm lúc này là điều gì khiến châu Âu rơi vào vòng xoáy dịch bệnh thứ hai trong khi đã có bài học vô cùng sâu sắc từ đợt bùng phát dịch đầu tiên. Theo lý giải của các chuyên gia y tế của WHO, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và người dân mất cảnh giác là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và nhiều bằng chứng cho thấy những người trẻ tuổi chiếm phần lớn số ca mắc mới trong làn sóng dịch bệnh thứ hai tại châu Âu. Giám đốc khẩn cấp của WHO tại châu Âu-Tiến sĩ Dorit Nitzan gọi đây là “lời cảnh tỉnh” khi người dân các quốc gia châu lục thời gian qua dần lơ là, thiếu cảnh giác trước dịch bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, lần này các quốc gia châu Âu đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp hạn chế mới. Người lao động Anh được khuyến cáo làm việc tại nhà và mọi biện pháp khuyến khích trở lại công sở đều bị tạm dừng vô thời hạn. Các địa điểm giải trí được yêu cầu rút ngắn thời gian hoạt động trong khi các sự kiện thể thao cũng bị hạn chế người đến xem. Chính phủ Anh thậm chí còn đưa ra luật, có hiệu lực từ ngày 28-9, yêu cầu những người có kết quả dương tính với virus SARS Cov-2 hoặc từng có tiếp xúc gần với người bệnh phải tự cách ly, nếu không sẽ chịu phạt từ 1.000 tới 10.000 bảng (1.300 tới 13.000USD).
Tại Pháp, một số thành phố thuộc nhóm “vùng đỏ” nguy cơ cao đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới. Các thành phố như Nice, Bordeaux và Marseille đều đã cấm tụ tập hơn 10 người. Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha cũng triển khai biện pháp phong tỏa cục bộ từ đầu tuần này và sẽ mở rộng biện pháp phong tỏa sang một số vùng khác. Tây Ban Nha thậm chí huy động cả lực lượng quân đội để bảo đảm triển khai các biện pháp hạn chế.
Song, theo các chuyên gia, điều quan trọng là bản thân mỗi người dân cần phải tự nâng cao ý thức cảnh giác, tuân thủ các quy định phòng dịch để bảo vệ bản thân, gia đình cũng như cộng đồng.