Dịch COVID-19 tại châu Âu: Ý kéo dài biện pháp hạn chế

Tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại một viện dưỡng lão ở Nykoping, Thụy Điển, ngày 27/12/2020 - Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 31/3, Chính phủ Ý đã thông qua một sắc lệnh, theo đó gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng chống đại dịch COVID-19 tại nước này đến hết tháng 4, trong đó có việc đóng cửa các nhà hàng, cửa hàng và bảo tàng.

Thủ tướng Ý Mario Draghi cho hay nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu cải thiện và tiến trình tiêm vắcxin khả quan, chính phủ sẽ cân nhắc nới lỏng những biện pháp mới. Theo sắc lệnh mới, các trường học ở cấp thấp hơn được phép mở cửa trở lại và nhân viên y tế phải tiêm vắcxin. Chính phủ sẽ có biện pháp can thiệp trong trường hợp nhân viên y tế từ chối tiêm vắcxin, trong đó có việc luân chuyển công tác và ngừng chi trả lương.

Chính phủ Ý đã áp đặt các biện pháp phòng dịch mới từ ngày 15/3 vừa qua tại 75% lãnh thổ. Nước này đã ghi nhận 23.904 ca mắc mới và 467 ca tử vong trong ngày 31/3. Tổng số bệnh COVID-19 tại Ý hiện là 3.584.899 ca, trong đó có 109.346 người đã tử vong.

Cùng ngày, một tòa án tại Bỉ đã ra phán quyết yêu cầu chính phủ nước này, trong vòng 30 ngày, phải điều chỉnh lại luật phòng dịch hoặc nếu không, tòa sẽ vô hiệu hóa một số biện pháp phòng dịch. Phán quyết này được đưa ra sau khi tổ chức Liên minh Nhân quyền của Bỉ đệ đơn kiện phản đối các biện pháp siết chặt phòng dịch bệnh của chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ Bỉ đã ra thông báo phản đối phán quyết trên, đồng thời khẳng định một số quy định pháp lý đã cho phép áp dụng các biện pháp phòng dịch này.

Ngoài Bỉ, tại một số nước như Hà Lan và Đức cũng đã bùng phát các tranh cãi pháp lý liên quan đến biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Tại Bỉ, các bộ được phép ban hành các biện pháp siết chặt và phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 thông qua sắc lệnh mà không cần được quốc hội phê chuẩn. Bỉ đang trong làn sóng dịch thứ 3, buộc giới chức phải đóng cửa trường học, khu vực biên giới và hạn chế người dân tới các cửa hàng không cần thiết.

Cùng ngày, tại cuộc họp báo, Chính phủ Thụy Điển khẳng định sẽ không sớm nới lỏng các biện pháp phòng dịch hiện nay như kế hoạch trước đó. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết tỉ lệ lây nhiễm tại nước này đang ở mức rất cao và xu hướng này đang lan rộng tại nhiều khu vực, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế. Do vậy, các biện pháp phòng dịch sẽ vẫn được thực thi thêm một thời gian nữa.

Theo giới chức y tế, trong hai tuần qua, hai vùng ở Thụy Điển ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm vượt mức 1.000 ca/100.000 dân. Cơ quan Y tế cộng đồng của Thụy Điển cho biết sớm nhất là đến ngày 3/5 tới, chính quyền mới nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch như đóng cửa cửa hàng, quán bar, phòng tập gym và cửa hàng.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Thụy Điển đã ghi nhận 804.886 ca mắc, trong đó có 13.465 ca tử vong. Trong hai ngày qua, nước này đã ghi nhận 8.441 ca mắc mới. Tính đến ngày 31/3, hơn 1,12 triệu người tại Thụy Điển, tương đương 13,7% dân số, đã được tiêm mũi vắcxin đầu tiên và 486.038 người tiêm đã tiêm đủ hai mũi.

Tại Hy Lạp, chính phủ nước này thông báo sẽ mở cửa trở lại hầu hết các cửa hàng và nới lỏng các biện pháp phòng dịch bất chấp tỉ lệ lây nhiễm và tử vong vẫn ở mức cao. Theo quyết định mới, tất cả cửa hàng, ngoại trừ trung tâm thương mại, sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 5/4 tới.

Người dân được di chuyển bằng ôtô trên quãng đường ngắn trong ngày cuối tuần, tham gia các hoạt động ngoài trời với nhóm không quá 3 người. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Hy Lạp ghi nhận 3.600 ca mắc mới và 76 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Cho tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 263.689 ca mắc, trong đó có 8.093 ca tử vong.

Trong diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn báo Khmer Times đưa tin ngày 31/3, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ký ban hành một nghị định mới về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó quy định một số hạn chế đối với người dân và hoạt động kinh doanh, bao gồm lệnh giới nghiêm tại một số khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch.

Theo nghị định mới, Đô trưởng Phnom Penh và tỉnh trưởng tất cả các tỉnh trên cả nước được trao quyền ban hành biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại địa phương, nhưng phải hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến kinh tế và xã hội Campuchia.

Lãnh đạo các tỉnh, thành được quyền hạn chế hoặc cấm người dân ở một số khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao không được rời khỏi nhà và nơi cư trú, trừ một số trường hợp đặc biệt như đi mua đồ ăn, nhu yếu phẩm, đi khám bệnh hoặc xét nghiệm COVID-19, có công việc, công tác xã hội hợp lệ hoặc có lý do khẩn cấp liên quan đến gia đình và người thân. Tuy nhiên, việc hạn chế này không được kéo dài quá 2 tuần. Bên cạnh đó, các hình thức hội họp và đám tang cũng bị cấm tại một số khu vực có rủi ro lây nhiễm cao theo nghị định mới.

Nghị định mới cũng cho phép giới chức các tỉnh, thành yêu cầu tạm thời đóng cửa hoạt động kinh doanh, trừ dịch vụ thiết yếu như cừa hàng bán đồ ăn mang về, bệnh viện, trung tâm y tế, hiệu thuốc, logistics và bán hàng qua mạng. Các tỉnh, thành có thể cấm đi lại từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, trừ một số trường hợp khẩn cấp như đã nêu ở trên.

Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt về tội làm sai quy định phòng chống dịch và làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng chết người. Mức phạt có thể lên tới 5.000 USD (tương đương 120 triệu đồng) và 5 năm tù giam.

Theo mạng tin Fresh News, sáng 1/4, chính quyền thủ đô Phnom Penh quyết định áp dụng lệnh giới nghiêm trong khung giờ từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, tạm thời ngừng hoạt động kinh doanh và tụ tập đông người trong thành phố, trong có cấm cả các hoạt động giao thông, trừ các dịch vụ thiết yếu và giao đồ thực phẩm. Quyết định có hiệu lực đến ngày 14/4.

Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia vừa xác nhận có thêm 37 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 35 ca nhiễm liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” ở Sihanoukville, Kandal và Phnom Penh. Tính đến sáng 1/4, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.477 ca mắc COVID-19, trong đó 1.240 người hồi phục và 14 người tử vong.

Trong diễn biến liên quan, đêm 31/3, lô vắcxin Sinopharm thứ hai gồm 700.000 liều đã đến Sân bay quốc tế Phnom Penh. Đây là quà tặng của Chính phủ Trung Quốc dành cho Bộ Quốc phòng (300.000 liều) và Bộ Y tế Campuchia (400.000 liều). Như vậy đến nay, Campuchia đã nhận được 3 loại vắcxin gồm Sinopharm (1,3 triệu liều), AstraZeneca (320.000 liều) và Sinovac (1,5 triệu liều).

Cùng ngày 31/3, Brazil thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Johnson & Johnson là loại vắcxin phòng COVID-19 thứ tư được cấp phép tại quốc gia Nam Mỹ này.

Cơ quan Quản lý y tế liên bang Brazil (Anvisa) thông báo vắcxin của Johnson & Johnson được cấp phép sử dụng cho các nhóm ưu tiên như nhân viên y tế và người cao tuổi.

Giới chức quốc gia 212 triệu dân đang nỗ lực đảm bảo đủ vắcxin để tiêm cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đe dọa hệ thống y tế quốc gia. Brazil cũng đã đạt thỏa thuận mua 100 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech, dự kiến bàn giao trong khoảng tháng 4 và tháng 5 tới. Nước này đang sử dụng vắcxin của AstraZeneca và vắcxin của Sinovac trong tiêm chủng.

Trong khi vắcxin của Johnson & Johnson chỉ cần một liều duy nhất thì vắcxin của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Sinovac đều cần hai mũi cho một chu trình đầy đủ. Với khoảng 8% dân số Brazil đã được tiêm mũi đầu và khoảng 2,3% được tiêm đủ hai mũi, Brazil vẫn đang cách xa mục tiêu tiêm cho tất cả người trưởng thành trước cuối năm 2021.

Liên quan tới vắcxin Johnson &Johnson, ngày 31/3, báo New York Times đưa tin một nhà máy sản xuất tại Mỹ đã phải hủy khoảng 15 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của hãng này vì không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Sự cố này được cho là sẽ tác động mạnh tới những nỗ lực của hãng nhằm tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Hãng dược phẩm Mỹ cũng đã xác nhận hủy một lô vắcxin sản xuất tại nhà máy ở Baltimore do đối tác Emergent BioSolutions vận hành vì không đạt các tiêu chuẩn chất lượng. Dù cho biết số vắcxin trên đã được hủy trước giai đoạn hoàn thiện và chưa được bơm vào các lọ nhưng hãng không nêu số lượng cụ thể.

Hãng dược phẩm Mỹ cũng cho biết sẽ cử các chuyên gia tới địa điểm sản xuất để giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ sản xuất vắcxin của hãng, để đạt mục tiêu bàn giao thêm 24 triệu liều trong tháng 4. Theo New York Times, Cơ quan Quản lý dược phẩm Mỹ (FDA) đã nhận được thông tin về sự cố và có thể sẽ tiến hành điều tra. Báo này cũng đặt ra vấn đề rằng các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng có thể ảnh hưởng tới sản lượng của Johnson & Johnson trong tương lai.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254002/dich-covid-19-tai-chau-au--y-keo-dai-bien-phap-han-che.html