Dịch COVID-19: Tốc độ lây nhiễm tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại

Số ca nhiễm mới theo ngày luôn trên 150.000 ca trong một tuần qua, cá biệt có ngày lên tới hơn 180.000 ca/ngày khiến Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 12/11/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 12/11/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 8 giờ ngày 19/11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận gần 56.600.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.353.847 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 39.316.097 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là Mỹ với 11.867.176 ca mắc và 256.184 ca tử vong. Tốc độ lây nhiễm tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại khi số ca nhiễm mới theo ngày luôn trên 150.000 ca trong một tuần qua, cá biệt có ngày lên tới hơn 180.000 ca/ngày.

Ngày 18/11, Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio đã phải thông báo đóng cửa các trường công lập kể từ ngày 19/11 do tỷ lệ nhiễm COVID-19 gia tăng mạnh trong thành phố, và tất cả học sinh sẽ học từ xa trong khoảng thời gian không xác định.

Theo thống kê, tại thành phố New York, tỷ lệ nhiễm COVID-19 trung bình trong vòng 7 ngày là 3% .

Việc thành phố New York đóng cửa các trường công lập, với 1,1 triệu học sinh, là lần đóng cửa mới nhất và lớn nhất trong làn sóng đóng cửa các trường học trên khắp nước Mỹ trong những ngày gần đây, khi tỷ lệ nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh chóng.

Do tình hình dịch bệnh có nguy cơ mất kiểm soát, cùng ngày, Mỹ và Canada thông báo kéo dài các biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết qua đường biên giới trên bộ giữa Mỹ, Canada và Mexico thêm 30 ngày cho tới ít nhất ngày 21/12.

Đứng thứ hai thế giới, nhưng đứng đầu châu Á, Ấn Độ đã ghi nhận tới gần 45.500 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên gần 9 triệu ca, trong đó có 131.618 ca tử vong. Mặc dù số ca mắc mới có giảm so với những ngày trước, nhưng số người nhập viện tại nước này đang gia tăng nhanh chóng.

Brazil đứng thứ 3 thế giới, nhưng đứng đầu khu vực Nam Mỹ, với tổng số ca mắc là gần 6 triệu ca, tăng 35.645 ca trong 24 giờ qua, trong đó 167.497 ca tử vong.

Theo thông báo của Bộ Y tế nước này, trong tuần này, bang Sao Paulo của Brazil sẽ nhận lô vắcxin ngừa bệnh COVID-19 đầu tiên trong đơn hàng 46 triệu liều vắcxin do công ty Sinovac của Trung Quốc bào chế. Brazil hiện là nước có nhiều công ty dược phẩm tiến hành thử nghiệm vắcxin nhất tại nước này.

Người dân di chuyển trên đường phố tại Sao Paulo, Brazil, ngày 10/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Người dân di chuyển trên đường phố tại Sao Paulo, Brazil, ngày 10/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vượt 2 triệu ca, Pháp đã vượt Nga trở thành nước đứng thứ 4 thế giới và đứng đầu châu Âu về số bệnh nhân.

Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận 28.383 ca mắc mới, nâng tổng số mắc COVID-19 tại nước này lên 2.065.138 ca, trong đó 46.698 ca tử vong. Ngoài Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italy tiếp tục là những điểm nóng tại châu Âu khi số ca mắc mới theo ngày liên tục phá kỷ lục.

Tính đến hết ngày 18/11, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 14,6 triệu ca mắc, tăng gần 245.000 ca trong vòng 24 giờ qua, chiếm tới gần 35% số bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu.

Chiều 18/11, Quốc hội Đức (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện) đã thông qua những cải cách của Luật Bảo vệ chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.

Theo Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức, việc thông qua khuôn khổ pháp lý mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là cần thiết trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới tại nước này tăng mạnh, khiến các cơ sở y tế, đặc biệt là các bộ phận chăm sóc tích cực quá tải, có thể mất kiểm soát.

Tại khu vực Trung Đông, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly nhận định rằng làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 nguy hiểm hơn đợt đầu. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tránh trượt vào khúc quanh đầy rủi ro này."

Thủ tướng Madbouly kêu gọi các lực lượng chức năng tăng cường các chiến dịch thanh kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời áp dụng các hình phạt theo quy định của pháp luật cùng với các quyết định của Chính phủ Ai Cập về vấn đề này.

Cũng trong ngày 18/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 1.998.235 trường hợp mắc COVID-19 và 48.016 ca tử vong.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar thông báo các vắcxin ngừa COVID-19 tiềm năng của Pfizer Inc và Moderna Inc có thể sắp được cơ quan chức năng nước này cấp phép và phân phối trong vài tuần tới, qua đó mở ra giai đoạn tiêm chủng đại trà ngay trong năm nay.

Theo giới chức Mỹ, các bang và vùng lãnh thổ của nước này hiện sẵn sàng khởi động công tác phân phối các loại vắcxin ngừa COVID-19 trong vòng 24 giờ sau khi được cơ quan chức năng cho phép và các yêu cầu về bảo quản lạnh phức tạp sẽ không phải là một trở ngại đối với tất cả những người dân Mỹ có thể tiếp cận với các loại vắcxin này./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dich-covid19-toc-do-lay-nhiem-tai-my-van-chua-co-dau-hieu-cham-lai/677654.vnp