Dịch Covid-19 trong nước: Hà Nội ca cộng đồng cao kỷ lục, Cần Thơ F0 tăng đột biến
Ngày 18/11, TP Hà Nội ghi nhận 144 ca nhiễm cộng đồng trên tổng số 277 ca mắc, đây là số ca cộng đồng nhiều nhất trong đợt dịch thứ tư. Cùng ngày UBND TP cũng yêu cầu dừng cách ly tại nhà người về từ TP.HCM và một số tỉnh có số ca Covid-19 cao.
Từ 18h ngày 17/11 đến 18h ngày 18/11, Hà Nội ghi nhận 277 ca mắc COVID-19 mới, trong đó ghi nhận tại cộng đồng 114 ca, tại khu cách ly 137 ca và khu phong tỏa 26 ca. Số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn thành phố trong 24h giờ qua phân bố tại 25/30 quận, huyện là Hai Bà Trưng (26), Hà Đông (23), Hoàng Mai (23), Ba Đình (22), Quốc Oai (20), Gia Lâm (20) Bắc Từ Liêm (20), Chương Mỹ (16), Hoài Đức (13), Long Biên (11), Thanh Xuân (11), Mê Linh (10), Đống Đa (7), Thường Tín (4), Thanh Trì (4), Sơn Tây (3), Đông Anh (3), Cầu Giấy (3), Thanh Oai (2), Mỹ Đức (2), Phúc Thọ (2), Sóc Sơn (1), Ba Vì (1), Ba Vì (1), Phú Xuyên (1) và Hoàn Kiếm (1).
Tối 18/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký, ban hành công điện số 24 về việc giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao từ địa bàn có dịch trở về thành phố. Theo đó, đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 18/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 55 ca mắc, tập trung chủ yếu ở hai xã Bồ Sao, Lũng Hòa thuộc huyện Vĩnh Tường. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, huyện Vĩnh Tường đã tiến hành khoanh vùng, phong tỏa hai xã Lũng Hòa, Bồ Sao, lập 4 chốt kiểm soát, rào cứng 16 chốt ở các cửa ngõ ra vào tại các thôn, xóm; cho tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh buôn bán trên địa bàn, thực hiện giãn cách "Ai ở đâu ở đấy, nhà giữ nhà, làng giữ làng"; xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho toàn bộ dân cư; thần tốc truy vết, rà soát, xét nghiệm và cách ly tập trung đối với những trường hợp liên quan có yếu tố dịch tễ.
Huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) vừa phát hiện 6 trường hợp mắc COVID-19 là công nhân Công ty TNHH Điện tử Iriso Việt Nam (KCN Tân Trường). Ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết, cơ quan y tế địa phương đã lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao gửi CDC tỉnh Hải Dương và đang chờ kết quả.
Công tác truy vết, cách ly các trường hợp F1, F2 và phun khử khuẩn các khu vực liên quan đến các ca bệnh đã được thực hiện ngay trong đêm 17/11. Huyện cũng thống nhất với công ty tạm thời dừng hoạt động trong 3 ngày để phục vụ truy vết và xét nghiệm tầm soát. Sau 3 ngày, căn cứ yếu tố dịch tễ sẽ cho hoạt động lại.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Điện Biên, đến trưa 18/11, địa phương tiếp tục ghi nhận thêm 24 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số F0 trong toàn tỉnh từ đầu tháng 11 đến nay lên 255 trường hợp. Tổng hợp đến nay, riêng thành phố Điện Biên Phủ đã có 31 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có nhiều giáo viên, nên các trường học trên địa bàn thành phố đã tạm thời dừng đến trường học trực tiếp. Hiện các lực lượng chức năng của thành phố vẫn đang nỗ lực rà soát các trường hợp F1, F2 có liên quan.
Sở Chỉ huy phòng chống bệnh TP Cần Thơ cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, trung bình mỗi ngày ghi nhận 300 ca F0. Riêng ngày 17/11, TP Cần Thơ ghi nhận 712 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 14.150 người, trong đó hơn 8.350 người được điều trị khỏi. Do số lượng F0 tăng đột biến, các bệnh viện tầng 1 phải bố trí thêm giường bệnh. Sở Chỉ huy đề xuất Ban chỉ đạo cho phép sử dụng nguồn vaccine Pfizer đã được cấp để tiến hành tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi; cho phép thí điểm cách ly F1 tại nhà; thí điểm quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà và thành lập 83 đội y tế lưu động để hỗ trợ công tác quản lý F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà.
Trước diễn biến dịch bệnh, ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vừa ký Quyết định công bố cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp xã, huyện và tỉnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tiền Giang đang ở cấp độ 2, mức nguy cơ trung bình (màu vàng). Toàn tỉnh có 10 huyện, thành phố Mỹ Tho và Thị xã Gò Công ở cấp độ 2 và 1 đơn vị cấp độ 3 là huyện Tân Phước (màu cam).
Về quy mô cấp xã, tỉnh có 38 xã, phường, thị trấn đang bình thường mới; trong đó huyện Cai Lậy có 9 đơn vị bình thường mới. Có 108 đơn vị cấp xã ở cấp độ 2 và 5 đơn vị cấp xã ở cấp độ 4 là các xã: Phước Lập, Hưng Thạnh, Phú Mỹ, Tân Hòa thành (huyện Tân Phước) và thị trấn Vàm Láng, (huyện Gò Công Đông).
Khoảng 1 tuần gần đây, trung bình mỗi ngày tỉnh Vĩnh Long ghi nhận gần 300 F0 mới, nâng tổng số ca mắc của tỉnh hiện lên hơn 5.870 người, trong đó gần 3.000 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Hiện tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất đánh giá tỉnh thuộc cấp độ 2; các huyện Long Hồ, TP. Vĩnh Long, Mang Thít, Tam Bình, thị xã Bình Minh thuộc cấp độ 3. Cấp xã có 40 xã cấp độ 1, 17 xã cấp độ 2, 40 xã cấp độ 3 và 10 xã cấp độ 4. Do số F0 tăng cao, Vĩnh Long cũng đã thống nhất cho cách ly theo dõi sức khỏe các trường hợp F1 tại nhà, các quán ăn thuộc khu vực cấp độ 3 cấp độ 4 chỉ bán mang về, hạn chế người dân không được ra khỏi nhà từ 20h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau.
Với tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, tiếp tục ghi nhận ca mắc Covid-19 cao; đặc biệt là tỷ lệ ca nhiễm được ghi nhận qua việc sàng lọc.
Trong 3 ngày, 15-17/11, trên địa bàn tỉnh An Giang ghi nhận hơn 1.500 ca, trong đó mỗi ngày có hơn 100 ca ngoài cộng đồng. Hiện nay số F0 hiện nay đang cách ly điều trị là gần 7.500 trường hợp./.