Dịch COVID-19: Tunisia ra thông báo phong tỏa toàn quốc

Các cửa hàng và quán càphê đóng cửa tại Tunis, Tunisia. Ảnh: AFP/TTXVN

* Nga gia hạn lệnh cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh

Ngày 12/1, Bộ trưởng Y tế Tunisia Faouzi Mehdi thông báo chính phủ nước này quyết định áp dụng phong tỏa trên quy mô toàn quốc trong thời gian bốn ngày, từ ngày 14-17/1, cùng với lệnh giới nghiêm từ 16 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Quyết định này cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động giảng dạy tại tất cả các cấp học và tại các trung tâm đào tạo trong thời gian từ ngày 13-24/1. Ngoài ra, lệnh cấm ăn uống tại chỗ (áp dụng từ ngày 18/1) sẽ được áp dụng đối với các quán càphê và nhà hàng, khách hành chỉ được phép mua mang đi.

Bộ trưởng Mehdi cho biết tình hình y tế trong nước đang ở mức nguy hiểm vì số ca mắc mới mỗi ngày rất cao. Do đó, chính phủ đã quyết định tăng số lượng các xét nghiệm sàng lọc, đặc biệt là các xét nghiệm nhanh.

Trước đó, Tunisia được xem là một trong những quốc gia châu Phi ứng phó tốt nhất với đại dịch COVID-19 ngay trong lần bùng phát đầu tiên, với các biện pháp ngăn chặn sớm và hiệu quả.

Tuy nhiên, kể từ khi bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai từ tháng 10/2020 đến nay, Tunisia đã vào tốp các nước châu Phi có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất châu lục. Đặc biệt, vào cuối tháng 12/2020, Tunisia đã đứng thứ ba trong tốp 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 cao nhất, sau Nam Phi và Ai Cập.

Trong khi đó, Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera vừa tuyên bố tình trạng thiên tai quốc gia tại tất cả 28 huyện của nước này khi dịch bệnh COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 người và khiến hơn 2.000 người mắc bệnh.

Trong một bài phát biểu đặc biệt, Tổng thống Chakwera tuyên bố tình trạng thiên tai quốc gia tại tất cả các huyện trên cả nước và quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/1. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, các cơ quan liên quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, lĩnh vực tư nhân hỗ trợ thêm các nguồn lực cần thiết để đối phó với thách thức hiện nay.

Nhà lãnh đạo Malawi cũng nêu rõ tuyên bố trên là bước đi đầu tiên tiến tới khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp - vốn phải được Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội thông qua.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ trưởng Giao thông và Các công trình công cộng Sidik Mia và Bộ trưởng Chính quyền địa phương Lingson Berekanyama đều đã tử vong do COVID-19 vào sáng 12/1.

Tổng thống Malawi tuyên bố quốc tang trong ba ngày từ ngày 12-14/1, đồng thời chỉ thị treo cờ rủ nhằm tưởng niệm các quan chức chính phủ và người dân đã tử vong do COVID-19.

* Tại Nga, ngày 12/1, nước này thông báo gia hạn lệnh tạm dừng khai thác các chuyến bay đến và đi từ Anh, sau khi giới chức nước này xác nhận có ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Anh.

Nga thực thi biện pháp tạm dừng giao thông hàng không với Anh từ cuối tháng 12/2020. Quyết định mới gia hạn biện pháp này tới ngày 1/2/2021. Chính phủ Nga cho biết quyết định trên nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể mới xâm nhập và lây lan trong nước.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được cho là xuất hiện đầu tiên ở vùng Đông Nam nước Anh từ cuối năm 2020 và tới nay đã được xác nhận xuất hiện tại hàng chục quốc gia trên thế giới.

Tuần trước, Nga thông báo phát hiện một ca nhiễm biến thể mới của virus từ tháng 12. Bệnh nhân đã bình phục và không còn triệu chứng mắc bệnh. Hiện Nga là một trong những quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất trên thế giới.

Trong bối cảnh biến thể mới của virus lây lan, New Zealand thông báo sẽ yêu cầu các hành khách quốc tế từ hầu hết các quốc gia trên thế giới trình giấy xác nhận âm tính với virus trước khi lên các chuyến bay tới quốc gia này.

Quan chức phụ trách phòng dịch COVID-19 của New Zealand, ông Chris Hipkins, cho rằng trong bối cảnh tỉ lệ lây nhiễm ở nhiều quốc gia hiện ở mức cao và có bằng chứng những biến thể mới của virus có khả năng lây lan cao đang lan rộng ra toàn cầu, chắc chắn là cần phải kiểm soát đặc biệt các tuyến giao thông hàng không trong thời gian tới.

Ông Hipkins cho biết yêu cầu có xét nghiệm âm tính sẽ nhanh chóng được áp dụng với các hành khách đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngoại trừ Úc và một số quốc gia ở Nam Cực và Thái Bình Dương. Dù có kết quả xét nghiệm âm tính, hành khách vẫn phải cách ly bắt buộc 14 ngày và tiến hành xét nghiệm khi đặt chân tới New Zealand.

Nhờ sớm đóng cửa biên giới và phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt từ giai đoạn đầu của đại dịch, New Zealand đã khống chế tốt số ca mắc bệnh, theo đó đến nay nước này ghi nhận chỉ có hơn 1.800 ca bệnh và 25 ca tử vong. Ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận gần đây nhất ở New Zealand là khoảng 2 tháng trước đây.

Quyết định mới được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người kêu gọi chính phủ nhanh chóng mở rộng yêu cầu xét nghiệm trước khi lên máy bay và đẩy nhanh chương trình tiêm vắcxin.

Chính phủ New Zealand thông báo đã đảm bảo đủ vắcxin để tiêm cho tất cả 5 triệu dân của nước này, thông qua các thỏa thuận ký kết với các công ty AstraZeneca và Novavax. Theo kế hoạch, New Zealand sẽ tiêm chủng cho các nhân viên làm việc ở biên giới trước cuối tháng Ba và cho toàn dân trước giữa năm 2021.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251143/dich-covid-19--tunisia-ra-thong-bao-phong-toa-toan-quoc.html