Dịch COVID-19: WHO xác nhận 2 nhân viên nhiễm virus SARS-CoV-2

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện dã chiến ở Lombardy, Ý - Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo hai nhân viên của tổ chức này đã được xác nhận là nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier nêu rõ: "Hai nhân viên này đã rời khỏi văn phòng WHO và sau đó tại nhà, họ có các triệu chứng và đã được xác định mắc COVID-19. Do vậy, hiện chúng tôi có hai trường hợp mắc dịch bệnh này”.

Trước đó, ngày 11/3, WHO đã tuyên bố dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra là đại dịch toàn cầu.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 12 trường hợp mắc COVID-19 tại nước này. Như vậy, tính đến nay, đã có 24 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Campuchia.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ngày 17/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các quán karaoke KTV và rạp chiếu phim trên cả nước. Trước đó, ngày 16/3, Campuchia cũng đã yêu cầu các trường học nghỉ hè sớm.

Trong một nỗ lực nhằm chặn đà lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Bộ Giao thông vận tải Philippines ngày 17/3 tuyên bố nước này sẽ đóng cửa tất cả các sân bay trên đảo Luzon - hòn đảo chính của nước này, bắt đầu từ ngày 20/3.

Theo bộ trên, toàn bộ hành khách muốn ra nước ngoài sẽ phải rời khỏi Luzon trong vòng 72 giờ, sau khi chính phủ áp đặt biện pháp cách ly cộng đồng tăng cường trên toàn bộ đảo, bắt đầu từ đêm 17/3. Tuy nhiên, các hoạt động vận chuyển hàng hóa đến và đi cũng như trong phạm vi đảo Luzon sẽ không bị ảnh hưởng.

Trước đó một ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã yêu cầu toàn bộ người dân trên đảo Luzon, trong đó có thủ đô Manila, ở trong nhà trong 30 ngày. Biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nước này tiếp tục tăng.

Ngày 17/3, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 45 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 187.

Cũng trong ngày 17/3, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã yêu cầu những người nước ngoài đến đặc khu này phải cách ly 14 ngày hoặc phải giám sát y tế. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 19/3. Tính đến nay, Hong Kong đã ghi nhận 160 trường hợp mắc COVID-19.

Theo Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhiệm vụ hiện nay của Hong Kong là hạn chế sự lây nhiễm từ bên ngoài.

Trong khi đó, ngày 17/3, một số bệnh viện của Indonesia cho biết đang thiếu hụt trầm trọng các thiết bị y tế, thậm chí số lượng khẩu trang dùng cho đội ngũ bác sĩ và y tá trong quá trình theo dõi các bệnh nhân cách ly cũng không đủ.

Việc thiếu hụt trầm trọng các trang thiết bị y tế tại các bệnh viện của Indonesia đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên rất ít thông tin đề cập đến tình trạng này. Sự việc chỉ được dư luận biết đến khi các y, bác Sĩ của Bệnh viện Unair tại Surabaya lo lắng và chia sẻ thông tin trên các tài khoản cá nhân.

Cũng trong ngày 17/3, Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Michal Wos đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 . Trả lời cơ quan thông tấn nhà nước, Bộ trưởng Wos cho biết hiện ông đã được cách ly và sức khỏe vẫn bình thường. Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn, các thành viên Chính phủ Ba Lan cũng đều được cách ly và xét nghiệm COVID-19, đặc biệt là những người tham dự một cuộc họp với ông Wos hôm 10/3. Tính đến chiều 17/3, Ba Lan đã ghi nhận 177 người mắc COVID-19, trong đó có 4 ca tử vong.

Ngày 17/3, Bộ Y tế Israel thông báo số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã tăng lên 304 trường hợp. Theo Bộ Y tế Israel, trong số các ca nhiễm bệnh trên, 238 trường hợp đang được chữa trị tại 22 bệnh viện trên cả nước, trong đó bốn trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch. Trong số 66 ca còn lại, 46 trường hợp đang được cách ly tại nhà, năm trường hợp đã khỏi bệnh.

Tại Kuwait, Bộ Y tế nước này cho biết thêm bảy ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 130 trường hợp. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Y tế cho biết những ca nhiễm mới đều là công dân Kuwait trở về từ Anh. Trong số 130 ca nhiễm bệnh có 12 trường hợp đã khỏi bệnh.

Kuwait đã cấm tất cả các chuyến bay thương mại từ ngày 13/3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, chính phủ nước này cũng quyết định đóng cửa các cửa hàng, trung tâm thương mại và các tiệm cắt tóc.

Cũng trong ngày 17/3, Bangladesh đã ghi nhận thêm hai ca nhiễm mới, theo đó tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng lên 10 trường hợp. Hiện có ba ca đã khỏi bệnh. Bangladesh đã đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục từ ngày 17/3 đến hết tháng này để đối phó với dịch bệnh.

Giới chức Ai Cập đã tiến hành cách ly tại nhà khoảng 300 gia đình ở một ngôi làng thuộc vùng Delta sau khi hai ca tử vong do COVID-19 trong tháng này có nguồn gốc từ khu vực trên. Giới chức Ai Cập đang triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh mạnh mẽ hơn sau khi ghi nhận thêm hai ca tử vong mới, nâng tổng số trường hợp tử vong do COVID-19 lên bốn ca, và tổng số ca mắc hiện tăng lên 166 trường hợp.

Trong khi đó, tại Iran, nhà chức trách nước này đã phải tạm thời thả tự do khoảng 85.000 tù nhân, bao gồm cả tội phạm chính trị, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở các nhà tù vốn trong tình trạng quá tải.

Người phát ngôn cơ quan tư pháp Iran Gholamhossein Esmaili cho biết khoảng 50% số tù nhân được thả ra là những tội phạm liên quan đến an ninh. Tới nay, tại Iran có tổng cộng 14.991 người nhiễm virus SARS-CoV-2 , trong đó có 853 ca tử vong.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236349/dich-covid-19--who-xac-nhan-2-nhan-vien-nhiem-virus-sars-cov-2.html