Dịch cúm A bùng phát, thận trọng đối với trẻ em

Theo các bác sĩ, mùa hè không phải là thời điểm dịch cúm A vì loại vi rút cúm này thường phát triển mạnh vào mùa đông xuân (tháng 3,4 hoặc tháng 9, 10) ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, số ca mắc cúm A tăng bất thường, nhất là ở trẻ em, trong khi nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành có những triệu chứng giống cúm A. Đòi hỏi mỗi người cần theo dõi và phát hiện, điều trị sớm cúm A, không để xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Khám cho trẻ mắc bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Khám cho trẻ mắc bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, gần chục ngày nay, số bệnh nhân mắc cúm A đến khám, nhập viện gia tăng. Mỗi ngày, tại khoa Truyền nhiễm tiếp nhận hàng chục bệnh nhi nhập viện điều trị, trong đó có những gia đình có 2 con cùng mắc bệnh.

Chị Đinh Thị Hải, xã Khánh Mậu (huyện Yên Khánh) cho biết: Trước đó, 2 bố mẹ đều mắc cúm, điều trị thấy sức khỏe ổn định, nhưng sau đó lây bệnh sang 2 con nhỏ là 2 tuổi và 5 tuổi. Các cháu còn nhỏ nên đều sốt cao, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, người mệt mỏi, không ăn, không chơi. Gia đình cho các cháu đi khám bệnh và được chỉ định nhập viện, hiện điều trị đã được 4 ngày, bệnh đã thuyên giảm nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, các ca bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tăng mạnh, như tay chân miệng, cúm A, cúm mùa..., với các triệu chứng như ho khò khè, sốt cao, nôn, bỏ ăn, không chịu chơi... Nguyên nhân là do nền nhiệt độ liên tục thay đổi, trong khi sức đề kháng của trẻ em kém.

Các triệu chứng gặp phải khi nhiễm cúm A thường gặp như sốt cao, đau đầu, mỏi người, viêm đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi. Đối với trẻ em, khi có biến chứng nặng sẽ viêm phế quản, viêm tai giữa. Khi trẻ có các dấu hiệu nặng như tiêu chảy, sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn trớ... cần nhanh chóng nhập viện điều trị, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Để phòng tránh cúm A, phụ huynh nên tiêm vắc xin cúm hàng năm cho trẻ. Thời gian tiêm là từ trước hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra vào mùa đông xuân (tháng 3,4 và 9,10 trong năm). Cùng với đó, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng, tránh tập trung nơi đông người khi đang có dịch cúm.

Theo các bác sĩ, cúm A là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường lây lan với tốc độ nhanh, bằng đường hô hấp, thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc nhổ. Thông thường, bệnh cúm A diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Khi bị nhẹ có thể điều trị tại nhà theo đơn kê của bác sĩ.

Tuy nhiên, đối với trẻ em thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn. Các dấu hiệu nguy hiểm cần can thiệp y tế là khi sốt cao có co giật, đau đầu dữ dội, mệt mỏi li bì... Nếu không được điều trị kịp thời dễ bị biến chứng chuyển nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, nhất là với trẻ em nhẹ cân, suy dinh dưỡng, trẻ đang mắc các bệnh lý.

Cũng theo các bác sĩ, nguyên nhân dịch cúm A bùng phát thời điểm này là do người dân chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định 5K, kéo theo tốc độ lây lan tăng nhanh các bệnh truyền nhiễm.

Để chủ động phòng cúm, hàng năm, người dân có thể tiêm phòng vắc xin. Đây được xem là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm mùa và giúp làm nhẹ các triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm khác do tính miễn dịch chéo trong vắc xin. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Khi ho hoặc hắt hơi nên che miệng. Đồng thời, quan tâm vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt. Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, giữ khoảng cách an toàn trên 1m. Nên đeo khẩu trang y tế khi đến những nơi công cộng, đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim... Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả trong khẩu phần ăn, tăng cường tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể

Hiện nay, dự báo dịch cúm A vẫn đang diễn biến phức tạp. Khi bị nhiễm cúm A, trẻ thường sốt cao 39-40 độ C, mệt mỏi, kém ăn. Những triệu chứng ban đầu này thường giống với bệnh cúm mùa nói chung và các bệnh do vi rút gây viêm đường hô hấp khác. Đáng chú ý, có những trường hợp vừa mắc sốt xuất huyết vừa mắc cúm A cùng một lúc, nếu không phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Do vậy, người dân khi thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường, đặc biệt sống trong vùng dịch tễ có người bị mắc bệnh cần đeo khẩu trang, đảm bảo các biện pháp phòng bệnh và đi khám sớm, nhất là những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng như người già, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dich-cum-a-bung-phat-than-trong-doi-voi-tre-em/d20220728215420535.htm