Dịch cúm lan nhanh ở miền Nam Trung Quốc, có thể liên quan kiểm soát Covid-19
Số ca mắc cúm ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc có dấu hiệu tăng mạnh, một số nơi thậm chí nhiều hơn cả mùa Đông. Theo chuyên gia nước này, khả năng miễn dịch yếu do ít tiếp xúc với các mầm bệnh đường hô hấp vì các biện pháp kiểm soát Covid-19 có thể là một nguyên nhân.
Theo báo cáo hàng tuần mới nhất của Trung tâm Cúm Quốc gia Trung Quốc (CNIC), kể từ ngày 9/5, số ca bệnh cúm ở các tỉnh miền Nam nước này liên tục tăng, từ 2,8% đầu tháng 5 lên 30,1% vào giữa tháng 6. Trong số 507 vụ bùng phát cúm (trên 10 ca) ở 17 tỉnh từ ngày 4/4 đến 19/6, có 503 vụ ở miền Nam Trung Quốc, tăng mạnh so với 136 vụ của cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo hàng tuần cho thấy, tỉnh Quảng Đông (119 vụ), tỉnh Phúc Kiến (109 vụ) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (79 vụ), là ba khu vực có số đợt bùng phát dịch cúm nhiều nhất.
Riêng tỉnh Quảng Đông đã báo cáo 126.857 trường hợp mắc cúm trong 6 tháng đầu năm 2022 tính đến 12/6, cao gấp 10,38 lần so với nửa đầu năm 2021. Trong đó, có một trường hợp tử vong. Tỷ lệ mắc cúm trong tuần thứ hai của tháng 6 là 43,12%.
Trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu, bác sĩ Lư Hồng Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 3 Thâm Quyến, cho biết mưa nhiều và nền nhiệt thấp trong mùa Hè có thể là tác nhân góp phần vào sự bùng phát cúm bất thường ở miền Nam Trung Quốc, trong khi các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 đã làm giảm sự phơi nhiễm của công chúng trước các mầm bệnh đường hô hấp, dẫn đến suy yếu khả năng miễn dịch cộng đồng đối với cúm.
Đây cũng là quan điểm của bà Khưu Lệ, Viện phó Viện Phòng chống và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hải Nam đưa ra trong một bài viết. Bà cho rằng, trong hai năm qua, do tác động của công tác phòng chống Covid-19, việc thực hiện các biện pháp can thiệp không dùng thuốc như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, bao gồm cả cúm. Do tỷ lệ mắc cúm trong dân giảm mạnh, mức độ miễn dịch sẵn có bị suy giảm, dẫn đến số người dễ mắc tăng cao.
Bên cạnh đó, việc tập trung cho tiêm vaccine Covid-19 gây ảnh hưởng và làm giảm tỷ lệ chủng ngừa các loại vaccine phòng bệnh đường hô hấp khác, cũng được cho là một nguyên nhân. Theo bác sỹ Lư Hồng Châu, tỷ lệ tiêm phòng cúm ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 5% trên toàn quốc, trong đó tỷ lệ trẻ mầm non được tiêm là cao nhất cũng chỉ ở mức 12,35%. Ông cho rằng, dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, giải pháp hiệu quả nhất để đối phó với sự lây lan của bệnh cúm vẫn là tiêm chủng.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng khả năng bùng phát dịch cúm trên toàn quốc ở nước này là thấp nhưng cảnh báo về nguy cơ kép đến từ Covid-19 và cúm. Họ cho rằng vẫn chưa đến lúc bỏ khẩu trang và giãn cách xã hội./.