Dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh
Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận tình trạng gia tăng của bệnh viêm kết giác mạc (đau mắt đỏ) ở mọi lứa tuổi.
Số ca mắc tăng cao
Ghi nhận cho thấy, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tại khoa Mắt (Bệnh viện Quân y 103) tăng cao đột biến, đặc biệt là trẻ em. Trong số đó, nhiều bệnh nhân đã có biến chứng nặng do không điều trị đúng cách khiến quá trình điều trị kéo dài và phức tạp hơn.
Tương tự, tại Bệnh viện Mắt trung ương cũng ghi nhận số ca tới viện thăm khám do đau mắt đỏ có sự gia tăng. Còn tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, các bác sĩ thông tin, bệnh viện liên tục tiếp nhận và điều trị các ca bệnh liên quan đến đau mắt đỏ, đối tượng mắc bệnh bao gồm cả trẻ em lẫn người lớn trong những ngày qua.
Không chỉ tại Hà Nội, bệnh đau mắt đỏ cũng đang bùng phát mạnh trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), thời gian gần đây, cơ sở y tế này liên tục tiếp nhận các trường hợp đến khám các bệnh lý về mắt. Trung bình mỗi ngày có khoảng 80 bệnh nhân/ngày. Trong đó, đáng nói, bệnh nhân đau mắt đỏ gặp ở mọi lứa tuổi chiếm khoảng 50% bệnh nhân tới khám.
Cùng đó, Bệnh viện Mắt Ninh Bình cho hay, những ngày đầu tháng 7 đến nay, tại các cơ sở y tế đều ghi nhận gia tăng các bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị. Tại bệnh viện, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ phải nhập viện điều trị tăng đáng kể. Mỗi ngày, tại khoa Khám bệnh tiếp nhận trên 200 người đến khám các loại bệnh về mắt, thì có đến gần 1/3 bệnh nhân bị đau mắt đỏ, trong đó có gần chục bệnh nhân sau khám chỉ định nặng cần phải nhập viện điều trị.
Một trường hợp cụ thể, gia đình chị Đinh Thị Mai Anh, phường Nam Thành (TP Ninh Bình) cả gia đình bị đau mắt đỏ do lây nhau. Chị Mai Anh cho biết, cũng không rõ nguồn lây từ đâu, nhưng sau chỉ 1 - 2 ngày, cả gia đình đều đau mắt đỏ. Với người lớn thì cố gắng chịu đựng, chủ động vệ sinh, nhưng với trẻ nhỏ thì thấy khó chịu là các cháu dụi mắt liên tục khiến mắt càng đau nhức, bệnh nặng hơn. Cả nhà phải đi khám, những người lớn nhẹ hơn được chỉ định điều trị ngoại trú, còn chị và con nhỏ phải nhập viện điều trị.
Không nên điều trị bằng phương thức truyền miệng
BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt trung ương) phân tích: Viêm kết mạc hai mắt là dạng phổ biến nhất của viêm kết mạc do Adeno virus gây ra. Bệnh luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4-5 ngày kể từ ngày khởi phát, biểu hiện nhẹ nhàng hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus. Đáng chú ý, virus này rất dễ lây lan và không có thuốc đặc trị .
Theo BS Cương, đau mắt đỏ có thể nhanh chóng trở thành dịch vì tốc độ lây lan rất nhanh do tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh khi họ nói chuyện hoặc hắt hơi, chạm tay vào những vật dụng hay đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh như gối, khăn mặt, bàn chải, chìa khóa, tay nắm cửa, chậu rửa bát, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi… sử dụng nguồn nước bị nhiễm bệnh (ao hồ, bể bơi)… thói quen hay dụi mắt, sờ tay vào mũi, miệng, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Đau mắt đỏ thường không quá nghiêm trọng, nếu vệ sinh, chăm sóc và điều trị tốt, bệnh thường diễn biến trong khoảng từ 5 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị để bệnh kéo dài, thường xuyên tái phát và gây ra biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, mù lòa…
BS Lưu Thị Quỳnh Nga - Khoa Mắt (Bệnh viện Bãi Cháy) nhấn mạnh, đau mắt đỏ nếu điều trị đúng cách, kịp thời người bệnh có thể khỏi trong khoảng từ 10-14 ngày. Tuy nhiên, nhiều người bệnh thường tự ý mua thuốc điều trị không theo tư vấn, đơn kê của bác sĩ dẫn đến bệnh kéo dài không khỏi, tăng nặng, biến chứng viêm giác mạc. Đặc biệt, người già hoặc trẻ nhỏ là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu nên rất dễ mắc bệnh đau mắt đỏ và có nguy cơ biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ và biến chứng nguy hiểm, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, không dùng chung chậu rửa mặt, khăn mặt với người bị đau mắt đỏ. Thường xuyên tra rửa mắt bằng dung dịch nhỏ mắt bằng muối NaCL 0,9% hàng ngày. Vệ sinh tay thường xuyên. Tuyệt đối không điều trị đau mắt đỏ theo những phương thức truyền miệng dân gian. Khi bị đau mắt đỏ nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, không tự ý điều trị khi chưa được thăm khám, tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh bệnh có diễn tiến lâu dài và khả năng gây biến chứng nguy hiểm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dich-dau-mat-do-dang-lay-lan-nhanh-5726379.html