Đích đến cuối cùng của lấy phiếu tín nhiệm
ĐBQH cho rằng, những người có kết quả lấy phiếu 'tín nhiệm thấp' phải thẳng thắn nhìn nhận lại việc thực thi công vụ của mình để có những nỗ lực, phấn đấu, 'tự soi, tự sửa'.
Chiều 25/10, Quốc hội đã công bố kết quả, thông qua Nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Các đại biểu Quốc hội đã có trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội liên quan nội dung này.
Đánh giá tín nhiệm không phải “đóng đinh”
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã hết sức trách nhiệm khi đánh giá, nhận định, có sự chia sẻ với các chức danh phụ trách các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, để thực sự nhìn nhận thấu đáo, kỹ lưỡng hơn cần tiếp tục hướng về phía trước, chắc chắn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là thông số để các chức danh lấy phiếu lần này có thêm cơ sở hoạch định chiến lược, lên kế hoạch hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình. Đồng thời, hình dung rõ hơn kỳ vọng của đại biểu cũng như cử tri để nỗ lực trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Sau lấy phiếu tín nhiệm, những vị trí được tín nhiệm cao có thể sẽ vui hơn, người có vị trí thấp sẽ tâm tư vì nỗ lực thời gian qua không chỉ của một cá nhân mà của cả một ngành, lĩnh vực.
Ông cho rằng, những người có kết quả lấy phiếu “tín nhiệm thấp” cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại việc thực thi công vụ của mình, và sẽ có những những nỗ lực, phấn đấu, “tự soi, tự sửa”, để làm sao hoàn thiện hơn nữa việc thực thi công vụ, khắc phục được những tồn tại, yếu kém.
“Tuy nhiên, tôi cũng mong các Bộ trưởng yên tâm, đó không phải là đánh giá “đóng đinh” mà vẫn nhìn về phía trước, tháo gỡ để thúc đẩy ngành đi lên. Thực tế, trong các nhiệm kỳ trước, có bộ trưởng, trưởng ngành trong lần lấy phiếu đầu có mức tín nhiệm thấp, nhưng đến lần lấy phiếu tín nhiệm sau đã có mức tín nhiệm cao”, ông Nghĩa nói.
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, có những việc, cái khó từ nhiều nhiệm kỳ dồn lại. Có những lĩnh vực nhận được sự kỳ vọng rất lớn, nhưng nguồn lực còn hạn chế, muốn tháo gỡ cần thêm thời gian như lĩnh vực giáo dục, văn hóa…
“Như Bộ GD&ĐT, tôi cho rằng đã hết sức nỗ lực, cá nhân Bộ trưởng đã hết sức cố gắng, cầu thị, lắng nghe. Tôi thấy Bộ trưởng là một nhà sư phạm có trách nhiệm, có hoài bão để thúc đẩy giáo dục phát triển”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng, thời gian tới, các thành viên Chính phủ có tín nhiệm thấp cần bước tiếp trên cơ sở nhìn lại cái đã qua. Ông tin vào bản lĩnh của các Bộ trưởng, tin vào cách đánh giá công tâm của các đại biểu cũng như cách nhìn nhận của hệ thống chính trị chúng ta. Đó là cách nhìn nhận để bước tiếp, để đáp ứng kỳ vọng của cử tri, của nhân dân.
Cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này chỉ có ý nghĩa khi sau lấy phiếu, đất nước ta tiếp tục phát triển với cả cơ hội và thách thức đang mở ra nhiều. Đích cuối cùng của lấy phiếu tín nhiệm là sẽ có đội ngũ các chức danh mạnh hơn, dạn dày hơn, trách nhiệm hơn, yên tâm hơn để vững bước.
Mỗi người nên yên tâm là những việc làm tốt, việc làm tích cực trên nền tảng khó khăn hôm nay, cử tri, đại biểu vẫn đang dõi theo, chia sẻ.
“Sẽ có những đánh giá không chỉ bằng những con số, không chỉ bằng việc lấy phiếu mà đánh giá của tổ chức Đảng, của cử tri, trong lòng của người dân khi nhìn về thành viên Chính phủ với sự ấm áp, tin tưởng, hoặc cũng vẫn còn lo lắng.
Với những bộ trưởng dày dạn kinh nghiệm, được Đảng giao trọng trách, được nhân dân tin cậy, đây sẽ là động lực để họ bước tiếp. Họ không chỉ bước một mình, đơn độc vì làm tốt thì sẽ được ghi nhận, được tập thể, tổ chức, đặc biệt được cử tri nhìn nhận, đánh giá và ghi nhớ", vị Đại biểu nhấn mạnh.
Lá phiếu tín nhiệm với giáo dục thể hiện kỳ vọng
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cũng cho rằng kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện sự quan tâm của cử tri cả nước. Trong đó, những lĩnh vực, chức danh có số phiếu tín nhiệm cao chưa cao còn cho thấy sự ảnh hưởng của lĩnh vực đó đối với đời sống cũng như sự kỳ vọng của người dân vào người quản lý, điều hành của lĩnh vực đó.
“Tôi thấy có 4 lĩnh vực có số phiếu tín nhiệm thấp còn cao. Như ngành giáo dục và đào tạo, tôi nghĩ kết quả này liên quan đến việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Kết quả của những lá phiếu tín nhiệm thể hiện sự kỳ vọng hơn nữa của người dân trong việc khắc phục những hạn chế của ngành giáo dục”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy chia sẻ.
“Hay như với lĩnh vực khoa học và công nghệ. Người dân nhận thấy ngân sách đã dành nguồn kinh phí nhất định đầu tư cho các đề tài khoa học, tuy nhiên việc ứng dụng các đề tài này vào thực tiễn chưa nhiều, tỷ lệ đóng góp của khoa học, công nghệ cho nền kinh tế cũng vậy. Điều này cũng thể hiện sự kỳ vọng của người dân vào người quản lý, điều hành lĩnh vực này phải nâng lên”, bà Thúy cho hay.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) chia sẻ” “Tôi không bất ngờ với kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, vì đúng là đang có những vấn đề xã hội chưa hài lòng”.
Ông cũng rất chia sẻ với những người có số phiếu tín nhiệm cao còn thấp. “Bộ trưởng Bộ Công Thương là người mới đảm nhiệm vị trí công tác này. Đây cũng là bộ có những vấn đề nóng từ trước. Với kết quả đạt được như đánh giá của các đại biểu, tôi cho rằng như thế là tích cực. Chắc chắn, qua đợt này, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có kế hoạch nâng hiệu quả lãnh đạo, điều hành để làm hài lòng nhân dân”, ông Cừ nêu quan điểm.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nói về kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: