Dịch kiến ba khoang 'hoành hành', bác sĩ cảnh báo các sai lầm thường gặp
Số người bị kiến ba khoang đốt ngày một nhiều, biết cách xử lý đúng khi bị đốt sẽ giúp nạn nhân dễ chịu hơn và hạn chế những nguy hại vết cắn gây ra.
Tỉnh dậy vào buổi sáng, anh D.H.T. (tên nhân vật đã được thay đổi), 25 tuổi, sống tại Hà Nội bỗng nhiên cảm thấy phần gần mắt và cổ bị sưng và rát như bị bỏng.
Sau khi ra quầy thuốc gần nhà mô tả triệu chứng, cũng như cho nhân viên xem vết thương, anh T. được kê cho một tuýp thuốc bôi ngoài da điều trị zona thần kinh.
Tuy nhiên, sau khi bôi loại thuốc này, anh T. không những không đỡ mà còn tiến triển nặng hơn.
Quyết định đến bác sĩ thăm khám, người đàn ông bất ngờ khi được kết luận bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
“Lâu nay tôi cứ nghĩ rằng chỉ có nhà mặt đất mới có kiến ba khoang. Mình ở chung cư cao tầng sẽ miễn nhiễm với loại côn trùng này”, anh T. chia sẻ.
Anh T. là một trường hợp được ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam tiếp nhận mới đây.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam, thời gian gần đây số lượng bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gia tăng mạnh.
“Những trường hợp nhẹ thì chỉ gặp tổn thương khu trú ở một vùng da nhỏ. Tuy nhiên cũng có trường hợp rất nặng, khi mà tổn thương lan rộng ra nhiều vùng da trên cơ thể; khu vực tổn thương cũng đau rát, lở loét nặng nề", Bác sĩ Tiến Thành cho hay.
Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân trước đó bị chẩn đoán nhầm thành bệnh zona dẫn đến điều trị sai cách.
"Rất nhiều người sai lầm khi coi viêm da tiếp xúc là bệnh zona, điều trị sai cách bằng acyclovir. Một số người còn dùng các loại lá cây để đắp, bôi khiến tổn thương lan rộng hơn", Bác sĩ Tiến Thành nói.
Theo chuyên gia này, thời gian này trong năm, kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều do vào mùa sinh sản.
Theo Bác sĩ Tiến Thành, không chỉ có nhà mặt đất mà ngay cả người dân sống trong các căn hộ chung cư cũng không được chủ quan với loài côn trùng này. Chuyên gia này từng tiếp nhận các bệnh nhân ở căn hộ tầng 10 thậm chí cao hơn.
Theo Bác sĩ Tiến Thành, độc tố trong kiến ba khoang rất mạnh. Loài côn trùng này không cắn hoặc chích mà chỉ vô tình người bị tiếp xúc hay cọ vào chúng.
“Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hay bị giết. Chúng giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederin - một hóa chất gây phồng rộp da rất mạnh”, Bác sĩ Tiến Thành phân tích.
Kiến ba khoang sống trong môi trường tự nhiên sẽ bị hấp dẫn bởi ánh điện vào ban đêm và vào nhà.
Do đó theo Bác sĩ Tiến Thành, để tránh kiến ba khoang, người dân nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí (nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng…) khi thắp đèn, ngủ trong màn.
Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Điều quan trọng là không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu nhìn thấy kiến ba khoang trên người thì không nên dùng tay không để đập, mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến khoang bò ra giấy sau đó lấy ra khỏi người.
Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.
Sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.