Dịch sởi gia tăng ở nhiều địa phương

Thời gian qua, nhiều địa phương ghi nhận số ca bệnh sởi, sốt phát ban tăng mạnh, thậm chí tăng gấp 13 lần so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do đối tượng trẻ cần được tiêm vaccine chưa được rà soát đầy đủ.

Người dân nên đi tiêm vaccine sởi đầy đủ, đúng lịch. Ảnh: Sở Y tế Đồng Nai.

Người dân nên đi tiêm vaccine sởi đầy đủ, đúng lịch. Ảnh: Sở Y tế Đồng Nai.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, tuần qua, tỉnh Đồng Nai ghi nhận số ca mắc sởi tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao nhất từ đầu năm với 566 ca, tăng 78 ca so với tuần trước. Trong đó, TP Biên Hòa ghi nhận số ca mắc nhiều nhất trong tuần với 225 ca.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận tổng cộng 2.947 ca mắc sởi và 2 ca tử vong do bệnh này. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3 ca mắc sởi và không có ca tử vong. Một ca bệnh cụ thể, bé T.M.T.N. (3 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) bị sốt, không đau ngực, đau bụng, ho ít… được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám và điều trị. Tại đây, bé M. được chẩn đoán mắc bệnh sởi, kê thuốc cho về nhà uống và theo dõi.

Đến sáng 29/11, bé ho nhiều, khò khè, khó thở, lừ đừ. Ngay sau đó, người nhà vội vàng đưa bé vào bệnh viện. Tuy nhiên, trên đường đi, bé khó thở, hụt hơi rồi hôn mê. Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bệnh nhi không tự thở, mất mạch cảnh, đồng tử hai bên giãn, phát ban toàn thân…

Các bác sĩ khẩn trương hồi sinh tim phổi nâng cao, tích cực cứu chữa cho bệnh nhi nhưng bé trai không qua khỏi. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi tử vong ngoại viện chưa rõ nguyên nhân, nghi do sởi biến chứng dẫn đến viêm cơ tim, viêm não.

Qua điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, bệnh nhi chưa được tiêm vaccine ngừa sởi. Do công việc bận rộn gia đình chưa đưa bé đi tiêm vaccine đúng lịch.

Trong khi đó, TPHCM cũng ghi nhận số ca sởi tăng 41,9% so với trung bình 4 tuần trước. Đáng chú ý, số ca mắc sởi ở người lớn trên địa bàn thành phố này đã tăng nhanh từ đầu tháng 10, với tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có bệnh nền.

Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, song song với sự gia tăng bệnh sởi ở trẻ em, từ tháng 6/2024, bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân là người lớn mắc sởi. Các ca bệnh bắt đầu tăng dần ở những tháng sau đó. Đỉnh điểm là trong tháng 11, đơn vị tiếp nhận 188 trường hợp là người lớn mắc sởi.

Trên cả nước, số liệu của Bộ Y tế cho thấy chỉ riêng trong tháng 11, cả nước ghi nhận thêm hơn 7.100 trường hợp mắc sởi và 1 ca tử vong. Tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận gần 14.300 ca mắc, 5 ca tử vong liên quan đến sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc cao hơn 42 lần, tử vong liên quan sởi tăng 4 ca.

Đến nay, gần 961.800 trẻ tại 31 tỉnh, thành đã tiêm vaccine ngừa sởi trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi theo kế hoạch; tuy nhiên, một số tỉnh, thành chưa bảo đảm tiến độ tiêm chủng.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, như tại TPHCM, UBND thành phố đã công bố dịch sởi trên địa bàn, số người bệnh sởi đến khám, điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh tăng nhanh, nhất là tại các bệnh viện chuyên khoa như: Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm, Bệnh nhiệt đới…

Trước tình hình nói trên, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác truyền thông, khám, phân loại, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đề nghị khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường truyền thông trong cơ sở khám, chữa bệnh để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người bệnh, người nhà, nhân viên… về phòng, chống bệnh sởi.

Tổ chức phân luồng người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh. Bố trí khu khám riêng cho người bệnh sởi hoặc người nghi mắc sởi.

Đồng thời, tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được Bộ Y tế ban hành. Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh; Thực hiện tốt việc phân loại, thu dung, cách ly, điều trị theo quy định nhằm hạn chế lây lan, tử vong…

Dương Toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dich-soi-gia-tang-o-nhieu-dia-phuong-10295680.html