Dịch sốt xuất huyết đang lây lan nhanh, khó kiểm soát
Các chuyên gia cảnh báo sốt xuất huyết đang phát triển để trở nên khó lường và nguy hiểm hơn. Nó không còn diễn biến theo chu kỳ mà mở rộng các vùng lưu hành bệnh.
Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ trong tọa đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?”.
Sốt xuất huyết không đơn giản để kiểm soát
Tại tọa đàm, GS.TS Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam, cho biết sốt xuất huyết là do muỗi truyền, hiện có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình hình sốt xuất huyết và rất nhiều khó khăn để kiểm soát. Ông nêu rõ có một số khó khăn chính như sau:
Thứ nhất, về xu hướng toàn cầu, năm 1970 chỉ có 9 quốc gia ghi nhận có sốt xuất huyết nặng, nhưng hiện nay có trên 130 nước trên toàn cầu ghi nhận sốt xuất huyết lưu hành. Ước tính, có khoảng 400 triệu ca mắc hàng năm.
Ở Việt Nam, lần đầu ghi nhận sốt xuất huyết là năm 1958, sau đó trở thành bệnh lưu hành trên toàn quốc. Trước đây, chu kỳ 10-12 năm có một vụ dịch lớn, nhưng gần đây từ năm 2019 đến 2023 đã có 2 vụ dịch lớn là năm 2019 là hơn 300.000 và năm 2022 là 370.000 ca mắc, 150 ca tử vong.
"Dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay có thay đổi, trước đây chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành", GS.TS Vũ Sinh Nam nói.
Thứ hai là việc phòng chống vector. Sốt xuất huyết do muỗi truyền và phòng chống vector hiện nay rất khó khăn. Muỗi vằn truyền bệnh trú động trong nhà, thích hút máu người, sinh sản và đẻ trứng dưới nước do con người làm ra. Vì vậy, chúng ta mà cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, nhưng trong thực tế, việc này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thứ ba, tình hình đô thị hóa không được kiểm soát, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu, đặc biệt là giao thông đi lại, tạo điều kiện cho vector phát tiển và lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu.
Thứ tư, hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 type virus khác nhau và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi type là rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các type virus đang gây ra không dễ dàng.
Đồng quan điểm TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng bệnh sốt xuất huyết không đơn giản để kiểm soát. Trước đây, khi có Chương trình mục tiêu Quốc gia, chúng ta đã kiểm soát cơ bản các vụ dịch. Tuy nhiên, sau khi chương trình kết thúc, không có kế hoạch cụ thể, chưa có vũ khí là vaccine, vấn đề tuyên truyền, chỉ đạo cũng giảm bớt. Vì thế, trong những năm gần đây, sốt xuất huyết gần như quay trở lại.
"Vũ khí" hiệu quả nhất
PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, cho hay tất cả người dân ai cũng có thể bị sốt xuất huyết. Đặc biệt, những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh, tim bẩm sinh, thiếu máu, hen suyễn hoặc người lớn bị suy thận có nguy cơ rất cao.
"Trong nhiều năm qua, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, chúng ta luôn phải đối phó với dịch sốt xuất huyết xảy ra, gần như năm nào cũng có, có những năm rất lớn. Gần đây, năm 2022, cả nước hơn 370.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, đặc biệt là có 140 trường hợp tử vong, tập trung ở các tỉnh phía nam", PGS Nguyễn Thanh Hùng nói.
Ông nhấn mạnh khi dịch xuất huyết xảy ra sẽ là gánh nặng rất lớn. Đầu tiên, nó đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân. Thanh, thiếu niên, sinh viên trẻ tuổi, lực lượng lao động chính lại cũng là đối tượng nguy cơ của sốt xuất huyết. Nó còn ảnh hưởng tới cả kinh tế, an sinh xã hội. Khi có những ca tử vong, người dân rất lo lắng, hoang mang.
Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống y tế, từ trạm y tế cho đến y tế quận, huyện, các bệnh viện tỉnh và bệnh viện Trung ương bị quá tải. PGS Hùng ví dụ như Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tràn ngập bệnh nhân sốt xuất huyết.
Trước tình hình trên, TS.BS Hoàng Minh Đức cho rằng vũ khí hiệu quả nhất chính là vaccine, giúp con người kháng lại virus sốt xuất huyết.
"May mắn, trong những năm gần đây, chúng ta đã có vaccine sốt xuất huyết. Hiện tại, Việt Nam đã cấp phép cho vaccine phòng, chống sốt xuất huyết", lãnh đạo Cục y tế dự phòng nói.
Theo TS Đức, khi có vaccine, chúng ta có một trong những vũ khí hiệu quả. Tỷ lệ tiêm vaccine không nhiễm sốt xuất huyết là 85%. Khi bị nhiễm, hơn 90% người bệnh không có triệu chứng nặng phải nhập viện. Vaccine giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam.
Mặc dù vaccine đang là “vũ khí” phòng bệnh hiệu quả, GS.TS Vũ Sinh Nam cho rằng theo Tổ chức Y tế Thế giới hướng dẫn, ngoài việc sử dụng vaccine thì không thể lơ là công tác phòng, chống vector truyền bệnh. Vấn đề này đang được triển khai ở nhiều nước, như Thái Lan, Indonesia. Theo đó, dù các nước đã áp dụng vaccine nhưng vẫn đồng thời tiến hành biện pháp diệt vector truyền bệnh để đảm bảo tính bền vững của vaccine.