Dịch sốt xuất huyết đến sớm, nhiều ca nặng và tử vong

Mặc dù chưa vào cao điểm dịch sốt xuất huyết nhưng số ca mắc đang có chiều hướng gia tăng. Ghi nhận tại bệnh viện nhiều ca nặng và tử vong.

TP.HCM và các tỉnh lân cận đang bước vào mùa mưa. Đây là thời tiết thuận lợi cho muỗi phát sinh, đặc biệt là loài muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở người.

Một ca tử vong, bốn ca nặng xin về

Ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), chuyên điều trị các bệnh lây nhiễm ở phía Nam, những ngày gần đây, số ca nhập BV do SXH đang có khuynh hướng tăng dần đều. Số liệu thống kê từ Phòng kế hoạch tổng hợp của BV cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, số ca nhập BV do SXH tăng gần gấp đôi.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2019 đến nay, BV ghi nhận một ca tử vong, bốn ca nặng xin về. Trong đó có hai ca nặng xin về trong tháng 6 gồm một thanh niên (26 tuổi, ngụ Bình Phước) và một bé trai (14 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM).

Hiện các khoa, phòng của BV đã bố trí thêm nhiều giường để tiếp nhận bệnh nhân. Riêng tại Khoa nhiễm D điều trị SXH cho người lớn, BV đã bố trí thêm 30 giường và một số bệnh nhân phải nằm hành lang do không còn chỗ trong phòng.

Bệnh nhân điều trị bệnh sốt xuất huyết tại BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Ảnh: HL

Bệnh nhân điều trị bệnh sốt xuất huyết tại BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Ảnh: HL

Hết sốt là bệnh trở nặng

BS CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa nhiễm D, lo ngại đỉnh dịch SXH thông thường rơi vào ba tháng 8, 9, 10. Thời điểm đầu mùa ghi nhận số ca SXH tăng cao như thế này rất đáng lo ngại.

Theo BS Phong, tại BV Bệnh nhiệt đới có hai khoa tiếp nhận bệnh nhân SXH người lớn là Khoa nhiễm C và nhiễm D. Tại Khoa nhiễm D, trong tháng 5, trung bình khoa tiếp nhận điều trị 20-25 ca SXH. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 trở đi, số ca mắc SXH bắt đầu gia tăng nhanh, mỗi ngày có 50-70 ca bệnh. BS Phong nhận định khuynh hướng dịch SXH năm nay đến sớm hơn một tháng so với cùng kỳ năm ngoái.

BS Phong khuyến cáo nhiều trường hợp bệnh nhân mắc SXH nhưng không được phát hiện sớm, khi vào BV đã có dấu hiệu chuyển nặng. Bệnh nguy hiểm ở chỗ hầu hết bệnh nhân đều không biết bị muỗi đốt khi nào. Bệnh diễn tiến nặng sau khi đã hết sốt khiến bệnh nhân dễ chủ quan, thường là ngày thứ tư sau khi phát bệnh. Lúc đó, bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận… Ngoài ra, đối với trẻ em béo phì hoặc người lớn thừa cân, khi mắc SXH, bệnh thường diễn tiến nặng hơn. 1/2 số ca tử vong năm ngoái xảy ra ở người có cơ địa béo phì, thừa cân. Phụ nữ có thai khi mắc SXH dễ sinh non, hư thai ở những tuần đầu tiên. Vì vậy, điều quan trọng đối với bệnh SXH là phải chẩn đoán sớm, đúng bệnh để có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời. Hiện đã có test kháng nguyên dễ dàng phát hiện SXH ngay từ những ngày đầu mắc bệnh.

Nằm điều trị tại Khoa nhiễm D được năm ngày, anh Nguyễn Văn An (27 tuổi, ngụ huyện Bù Đốp, Bình Phước) cho hay cách đây bốn ngày, anh cảm thấy sốt, nhức đầu, mệt mỏi toàn thân nhưng uống thuốc hạ sốt không đỡ. Tại khu vực anh sinh sống có vài người cũng bị SXH phải nhập BV nên anh nghi ngờ mình cũng bị mắc SXH nên nhập BV Bệnh nhiệt đới để điều trị.

Cũng điều trị tại Khoa nhiễm D, ông Phan Xuân Dũng (64 tuổi, ngụ quận 3) cho biết những ngày đầu tiên, ông cảm thấy sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên, đến ngày thứ sáu, khi cơ thể hết sốt thì ông bắt đầu choáng váng và được người nhà đưa vào BV quận 3 cấp cứu với chẩn đoán tụt tiểu cầu, đe dọa xuất huyết não. Ông được BV quận 3 chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới điều trị được năm ngày. “Đây là lần đầu tiên tôi mắc bệnh SXH. Các triệu chứng khi mắc bệnh đều không rõ ràng nên tôi cũng không nghĩ mình bị mắc bệnh này. Chỉ trừ sau khi hết sốt thì cơ thể tôi mới bắt đầu nổi lên nhiều nốt đỏ, lúc đó thì bệnh đang trở nặng rồi” - ông Dũng chia sẻ.

Tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), theo TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH, mỗi ngày BV điều trị nội trú cho 50-60 bệnh nhi, trong đó có 2-3 em gặp biến chứng sốc do SXH. Theo BS Tuấn, bệnh SXH thường kéo dài bảy ngày nhưng nguy hiểm nhất là giai đoạn từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu vì ở giai đoạn này rất dễ xảy ra sốc SXH. Đây là thời điểm trẻ bớt sốt, điều này có thể gây chủ quan cho các bậc phụ huynh, tưởng rằng bệnh đang thuyên giảm và có thể tự khỏi, không để ý, bệnh sẽ trở nặng.

“Nếu thấy các bé giảm sốt mà mệt mỏi nhiều hơn, đau bụng, có nhiều dấu hiệu xuất huyết bất thường trên cơ thể như từng chấm SXH ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu răng, ói hoặc đi cầu ra phân đen, nếu bé gái dậy thì có sự xuất huyết âm đạo bất thường, kèm theo tay chân lạnh, vật vã thì phải nhanh chóng đưa đến BV gần nhất” - BS Tuấn khuyến cáo.

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Tại Đồng Nai: Từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 6-2019, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.700 ca mắc SXH. Số ca điều trị nội trú và ngoại trú do mắc SXH đều tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu: Ghi nhận từ đầu đến giữa tháng 6-2019, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh gia đăng đột biến, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.700 ca SXH và xử lý hơn 450 ổ bệnh SXH, tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm 2018.

Tại Bình Phước: Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, đến giữa tháng 6-2019, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.700 ca bệnh SXH, số ca mắc tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018.

Số ca nhập viện do SXH tăng gần gấp đôi

Nếu như từ ngày 1 đến 28-6-2018, toàn BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) chỉ ghi nhận 403 ca SXH thì từ ngày 1 đến 28-6-2019, số ca SXH được ghi nhận lên đến 798 ca. Hiện tại, toàn BV đang quản lý 151 bệnh nhân bị SXH, trong đó có 25 trẻ em, trẻ nhỏ nhất sinh tháng 10-2018, chưa đầy một tuổi. Có 10 ca nặng, bao gồm người lớn và trẻ em phải nằm phòng hồi sức tích cực, thở máy.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/dich-sot-xuat-huyet-den-som-nhieu-ca-nang-va-tu-vong-843007.html