Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Hà Tĩnh ráo riết phòng chống
Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh. Ngành chuyên môn, chính quyền và người chăn nuôi đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ NN&MT), từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cả nước diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 30/34 tỉnh, thành phố và đang có chiều hướng lan rộng.
Trên địa bàn tỉnh, hiện có 23/69 xã, phường có DTLCP chưa qua 21 ngày. Điều đáng lo ngại là dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng mạnh, khó kiểm soát trong 1 tháng trở lại đây khiến người chăn nuôi lao đao, đặc biệt là phạm vi nông hộ.

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Tại xã Đồng Tiến - một trong những địa bàn có tổng đàn lợn lớn của tỉnh, dịch bệnh chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Thống kê của UBND xã, từ khi dịch xuất hiện (ngày 26/2) đến nay, toàn xã đã có 625 con lợn với tổng trọng lượng hơn 39 tấn buộc phải tiêu hủy. Gia đình ông Hoàng Trọng Thọ (thôn Bình Dương, xã Đồng Tiến) vừa "mất trắng" một đàn lợn thịt 10 con sắp xuất chuồng. Nhìn chuồng trại vắng ngắt, ông Thọ xót xa: “Tôi cũng không hiểu dịch lây lan đến chuồng của gia đình từ nguồn nào. Bao nhiêu công sức và tiền thức ăn, thuốc men giờ phải tiêu hủy hết, xót lắm”.
Ông Nguyễn Đức Công - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: "Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng công tác phòng, chống dịch tại cơ sở vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đồng Tiến là xã trọng điểm chăn nuôi với tổng đàn hơn 10.000 con lợn, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, chuồng trại sát khu dân cư và mật độ dày đặc. Địa phương lại nằm ở cuối nguồn kênh Kẻ Gỗ nên thường xuyên xảy ra tình trạng xác gia súc, gia cầm chết từ thượng nguồn trôi dạt về, làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Ý thức phòng dịch của một số hộ dân chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại, trong khi địa bàn rộng, tổng đàn lớn, nhân lực thú y, nguồn lực chống dịch hạn chế khiến việc kiểm soát không triệt để".

Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng công tác phòng, chống dịch tại xã Đồng Tiến vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
"Thời điểm này, xã tiếp tục triển khai công tác khoanh vùng, dập dịch, phun hóa chất, tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các trục đường, khu vực đông dân cư, thường xuyên tập trung đông người; kiểm soát tổng đàn; khuyến cáo bà con xuất bán sớm nếu đủ trọng lượng và chưa nhiễm bệnh để hạn chế thiệt hại, tuyệt đối không nên tái đàn, tăng đàn trong điều kiện dịch bệnh chưa được khống chế...", ông Công cho biết thêm.
Không chỉ Đồng Tiến, các xã Cẩm Xuyên, Yên Hòa, Cẩm Duệ, Đức Thịnh… cũng ghi nhận tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh. Chị Trần Thị Ngọc (thôn Hồ Phượng, xã Yên Hòa) chia sẻ: “Thời tiết nắng mưa thất thường, ẩm độ cao khiến lợn rất dễ nhiễm bệnh. Trong hơn 1 tháng lại nay, đi đâu cũng thấy bà con chia sẻ thông tin lợn ốm, dịch lây lan rộng hơn, phủ đều các thôn. Nhiều hộ đã mất trắng cả đàn, thiệt hại kinh tế rất lớn”.

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 23/69 xã, phường có DTLCP chưa qua 21 ngày.
Theo ông Lê Văn Danh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cụm Cẩm Xuyên, ngoài nguyên nhân không có vắc-xin đặc trị, hơn 85% hộ chăn nuôi ở các địa phương trong khu vực là nông hộ nhỏ lẻ với mật độ dày, chuồng trại thiếu tiêu chuẩn an toàn sinh học. Giá lợn đang cao khiến nhiều hộ tái đàn ngay trong vùng dịch nhưng thiếu ý thức phòng bệnh, làm nguy cơ bùng phát tăng mạnh.
Đáng lo ngại, qua kiểm tra vẫn còn tình trạng vứt xác lợn chết xuống kênh, mương, đặc biệt trên tuyến kênh chính Kẻ Gỗ, khiến nguy cơ dịch lan rộng hơn. Thời tiết năm nay diễn biến bất lợi hơn những năm trước, mưa nắng thất thường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho vi-rút phát triển.

Công tác phòng, chống DTLCP của người dân vẫn còn hạn chế.
Trung tâm tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến dịch bệnh và tham mưu, hướng dẫn, triển khai kịp thời các giải pháp; rà soát nhu cầu vắc-xin, hóa chất từ nguồn dự phòng để hỗ trợ cho các xã, phường phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh lớn (trên 350.000 con), chủ yếu chăn nuôi nông hộ, hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn sinh học. Qua kiểm tra thực tế của ngành chuyên môn, ngoài yếu tố chủ quan, lơ là của người chăn nuôi, một số xã/phường chưa quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh; các giải pháp còn mang tính hình thức, nguồn lực tập trung cho công tác chống dịch còn hạn chế như: không có biển cảnh báo vùng dịch, chốt kiểm soát động vật cảm nhiễm ra/vào vùng dịch, không tiêu độc khử trùng tại khu vực có dịch…; vẫn còn tình trạng vận chuyển, buôn bán động vật ngay trong các khu vực xảy ra dịch.
Một số địa bàn không có nhân viên thú y cấp xã hoặc nhân viên thú y cấp xã không nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh, biến động tổng đàn… để tham mưu các giải pháp phòng chống kịp thời.

Trước diễn biến phức tạp của DTLCP, Sở NN&MT tổ chức kiểm tra để đánh giá, bổ cứu công tác tổ chức, triển khai các biện pháp cấp bách phòng, trừ sâu bệnh, dịch bệnh tại một số địa phương.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, nguy cơ DTLCP tái phát và lan rộng trong thời gian tới còn rất cao. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên cả nước, vi-rút có độc lực mạnh có thể xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, gây chết hàng loạt và buộc phải tiêu hủy với số lượng lớn, dẫn tới thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi.
Trong bối cảnh đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, theo chức năng, thẩm quyền chủ động chỉ đạo, huy động lực lượng, nguồn lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống DTLCP và các dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi. Theo đó, các giải pháp cần quan tâm hàng đầu là khẩn trương thành lập/kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã để kịp thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chỉ đạo, huy động lực lượng, các nguồn lực hợp pháp để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan diện rộng; tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và phương tiện; thành lập hội đồng xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, ốm, chết, đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo quy định…
Từ đầu năm 2025 đến nay, DTLCP đã làm cho 4.465 con lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy. Dịch đang xảy ra tại các xã, phường: Yên Hòa, Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Thiên Cầm, Cẩm Hưng, Cẩm Lạc, Đồng Tiến, Thạch Lạc, Cẩm Bình, Thạch Khê, Hương Xuân, Thạch Xuân, Đức Quang, Đức Thịnh, Hải Ninh, Kỳ Xuân, Cổ Đạm, Sơn Tiến, Sơn Kim 1, Thượng Đức, Bắc Hồng Lĩnh, Đồng Lộc, Gia Hanh.