Dịch tả lợn châu Phi: Nguy cơ mất an toàn

Trong khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang hoành hành tại nhiều tỉnh, thành thì hoạt động chốt chặn, giám sát, kiểm tra và thực hiện các thủ tục thú y trước khi các phương tiện vận chuyển lợn đi qua chốt còn thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành. Điều này khiến nguy cơ lây lan DTLCP từ các địa phương khác vào địa bàn tỉnh rất cao.

 Tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển lợn

Tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển lợn

Chốt kiểm dịch động vật Phong Thu (Phong Điền) có nhiệm vụ chốt chặn, giám sát các phương tiện vận chuyển động vật từ phía bắc, đặc biệt là gia súc, gia cầm (GSGC) để tiêu độc, khử trùng, kiểm tra các thủ tục kiểm dịch, lâm sàng trước khi cho qua chốt và vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Cán bộ trực chốt tại đây phải luân phiên thay nhau túc trực cả ngày lẫn đêm để làm nhiệm vụ.

Chúng tôi có mặt tại chốt kiểm dịch Phong Thu vào ngày 13/6, lúc này có hai cán bộ trực chốt làm nhiệm vụ được phân công. Trong lúc trao đổi công việc với hai cán bộ này, chúng tôi chứng kiến một phương tiện vận chuyển lợn đã tấp vào chốt để được kiểm tra các thủ tục kiểm dịch, kiểm tra lâm sàng trước khi đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Theo cán bộ trực chốt tại đây, số lợn này sẽ được đưa vào tiêu thụ tại địa bàn huyện Quảng Điền.

Tuy nhiên, chỉ trong một buổi sáng tại chốt Phong Thu, chúng tôi chứng kiến một số phương tiện giao thông vận chuyển lợn phóng nhanh “thông chốt”, không dừng lại để cán bộ thú y kiểm tra các thủ tục và tiêu độc khử trùng.

Muốn dừng phương tiện vận chuyển động vật để kiểm tra các thủ tục theo quy định của ngành thú y thì phải có lực lượng công an giao thông, quản lý thị trường phối hợp. Nhưng đến thời điểm này, khi DTLCP đang hoành hành tại nhiều tỉnh, thành, lực lượng thú y (đến ngày 13/6) vẫn chưa được sự tăng cường lực lượng công an giao thông phối hợp quản lý, giám sát phương tiện vận chuyển. Đây thật sự là điều đáng lo ngại khi nguy cơ lây lan dịch bệnh vào địa bàn tỉnh rất cao.

Ông Lê Văn Hoàng, phụ trách chốt kiểm dịch động vật Phong Thu thông tin, bình quân mỗi ngày có khoảng 5-10 phương tiện vận chuyển GSGC đi qua chốt Phong Thu. Có nhiều phương tiện tự giác vào chốt để trình báo các thủ tục kiểm dịch, được tiêu độc khử trùng, song vẫn có những phương tiện vận chuyển GSGC cố tình “thông chốt”, lực lượng cán bộ trực chốt “đành bó tay”.

Trong khi trên địa bàn tỉnh đang tiêu thụ một lượng lớn lợn giống, lợn thịt và sản phẩm từ lợn thì việc vận chuyển lợn “thông chốt” trái phép là điều đáng lo ngại. Lợn, sản phẩm thịt lợn không được kiểm tra thủ tục kiểm dịch, lâm sàng và tiêu độc, khử trùng là một trong những mối nguy cao dẫn đến DTLCP lây lan từ các tỉnh, thành vào địa bàn tỉnh.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 410 ổ dịch DTLCP tại 40 tỉnh, thành phố với 17.430 con lợn mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy (tăng 53,74% so với cùng kỳ năm 2023). Hiện vẫn còn 21 tỉnh đang có dịch bệnh nguy hiểm này chưa qua 21 ngày.

Ngoài khó khăn, thiếu lực lượng phối hợp quản lý, giám sát tại các chốt, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát DTLCP. Trong đó, thời tiết diễn biến khó lường, dịch bệnh GSGC ngày càng diễn biến phức tạp, việc mua bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ngày càng nhiều, khó kiểm soát khiến nguy cơ DTLCP tái bùng phát càng cao.

Mầm bệnh DTLCP và một số bệnh trên đàn GSGC vẫn đang tiềm ẩn, mô hình, phương thức chăn nuôi thiếu an toàn sinh học vẫn còn phổ biến nên việc triển khai tiêm vắc-xin, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai một số hạng mục của các đề án chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh tại các huyện còn gặp khó khăn, do nguồn kinh phí từ ngân sách chậm bố trí, nguồn vốn ngân sách của các huyện còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Hưng cho rằng, trước mắt ngành chăn nuôi và thú y tỉnh phối hợp với các ban ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức đồng bộ các biện pháp ngăn chặn DTLCP và các loại dịch bệnh từ các tỉnh khác vào địa bàn tỉnh. Trong những biện pháp ngăn chặn được ưu tiên hàng đầu là trực chốt để kiểm tra, tiêu độc khử trùng và ngăn chặn kịp thời lợn mắc bệnh, sản phẩm từ lợn bệnh vận chuyển đi qua địa bàn và đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ.

Một trong những biện pháp đang được ngành chăn nuôi và thú y đang tích cực triển khai cùng với nhiệm vụ chốt chặn đó là tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn và GSGC nói chung. Đến nay, tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi đạt trên 80% diện tiêm. Lực lượng thú y thường xuyên tổ chức kiểm tra lâm sàng, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, thanh tra và kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc tái đàn lợn phải đảm bảo an toàn sinh học. Các mô hình mới đang hướng đến là chuyển đổi sang phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ, chăn nuôi tiên tiến, ít dùng nước, sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh gắn với chế biến và tiêu thụ nhằm giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao giá trị sản phẩm.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/dich-ta-lon-chau-phi-nguy-co-mat-an-toan-142005.html