Dịch tả lợn châu Phi tái phát tại nhiều địa phương

Cuối tháng 4/2022, sau nhiều nỗ lực của ngành chức năng và các địa phương, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại Bắc Kạn cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, tới cuối tháng 6/2022, bệnh dịch này lại có dấu hiệu tái phát.

Hiện nay, toàn tỉnh có 09 xã DTLCP tái phát, gồm: Quang Thuận, Tân Tú, Chu Hương (Bạch Thông), Thượng Ân (Ngân Sơn), Cao Kỳ, Thanh Vận (Chợ Mới), Kim Lư, Kim Hỷ, thị trấn Yến Lạc (Na Rì).

Bà Trần Thị Thứ- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngân Sơn cho biết đang đi kiểm dịch tại các điểm giết mổ ở xã Vân Tùng, sau đó kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi ở các xã phía Bắc huyện. Do dịch tả lợn châu Phi ở xã Thượng Ân tái phát, chính quyền xã đã tổ chức tiêu hủy hơn 200kg lợn, đồng thời khoanh vùng phun tiêu độc khử trùng. Được biết Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện có 05 biên chế thì mình bà Thứ là chuyên môn thú y. Do vậy việc chống dịch, dập dịch, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi khá vất vả.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng đầu năm 2022 tổng đàn lợn toàn tỉnh là 246.915/368.931 con, đạt 67% kế hoạch. Tính từ đầu năm đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 73 hộ, 42 thôn thuộc 26 xã của 7 huyện, làm 440 con mắc bệnh với tổng khối lượng tiêu hủy 15.529kg.

Ý thức được sự nguy hiểm của bệnh DTLCP, một số tổ chức, hộ gia đình đã chuyển từ chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô nhỏ, vừa và lớn, áp dụng quy trình an toàn sinh học... Tuy nhiên do thiếu vốn, giá lợn giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao nên nhiều bà con vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn dẫn tới tình trạng lây lan dịch bệnh rất khó kiểm soát.

Đánh giá về bệnh DTLCP, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của ngành Nông nghiệp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cho rằng: Tuy tỷ lệ đàn lợn bị mắc bệnh DTLCP là rất thấp, chưa tới 1% tổng đàn, song ngành chức năng và các địa phương vẫn phải tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tái đàn, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Việt- Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Mặc dù có khoảng thời gian ngắn “sạch bóng” dịch tả, nhưng xác định loại dịch này chưa có thuốc chữa, lại lây lan nhanh nên công tác phòng chống luôn được chủ động thực hiện bằng các giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng chuồng trại, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng; khuyến cáo các hộ dân không được vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng; tổ chức chăn nuôi phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học.

Tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi để nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn đang là nỗi lo đối với các hộ chăn nuôi. Trong khi đó, đội ngũ nhân viên thú y cơ sở hiện vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn. Do vậy, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các cấp, ngành chức năng cần tạo điều kiện, bố trí đủ cán bộ có trình độ cho cơ quan chuyên môn thú y từ tỉnh đến xã; bổ sung phương tiện, thiết bị để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn./.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202207/dich-ta-lon-chau-phi-tai-phat-tai-nhieu-dia-phuong-d803b0e/