'Dịch tại Việt Nam sẽ phức tạp hơn do xuất hiện biến chủng Ấn Độ'
Các chuyên gia cho rằng biến chủng SARS-CoV-2 xuất hiện tại Việt Nam là tất yếu song tình hình dịch sẽ chuyển biến phức tạp hơn.
Mới đây, kết quả giải trình tự gene của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) cho thấy tất cả chuyên gia Ấn Độ, một lễ tân tại Khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái), nhóm nhân viên quán bar Sunny (Vĩnh Phúc) nhiễm biến chủng B.1.617.2.
Ngoài ra, các chuyên gia còn lấy 6 mẫu ở Hà Nam, 2 mẫu ở Hưng Yên, 2 mẫu ở Hà Tĩnh (bệnh nhân mắc Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7 - biến chủng của Anh.
"Chúng ta sẽ vất vả hơn nhiều"
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, tương tự các loại virus gây bệnh truyền nhiễm, do bản năng sinh tồn, SARS-CoV-2 biến chủng và thay đổi liên tục để thích nghi. Sau hơn một năm xuất hiện, virus lây lan khắp thế giới và biến chủng liên tục.
Chia sẻ với Zing về những thay đổi của tình hình dịch tại Việt Nam khi biến chủng Ấn Độ xuất hiện, bác sĩ Khanh cho biết: "Lẽ đương nhiên chúng ta sẽ vất vả hơn rất nhiều do biến chủng lây lan nhanh và có khả năng nếu không khống chế kịp, khối điều trị sẽ bị ảnh hưởng. Hiện chưa có nhiều bằng chứng cho thấy biến chủng này khiến tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ tăng cao nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan".
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết với chủng virus đột biến kép ở Ấn Độ, nếu không kiểm soát tốt, virus xâm nhập vào cộng đồng sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, các biến chủng virus được ghi nhận đều có tốc độ lây lan rất nhanh, gây bùng phát dịch nhanh chóng nếu không có biện pháp ngăn chặn tốt.
Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chia sẻ với Zing: "Bài học từ thảm kịch ở Ấn buộc chúng ta không được chủ quan trước dịch Covid-19 và biến chủng B.1.617.2".
Chuyên gia này nhấn mạnh Ấn Độ có nhiều đỉnh cao y tế nhưng thực tế, mức độ bao phủ y tế cộng đồng của quốc gia chưa thật sự tốt. Bằng chứng là sự khủng hoảng hệ thống điều trị, cơ sở y tế vỡ trận, thậm chí không đủ máy thở.
"Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị Covid-19. Quan trọng hơn hết là ý thức của người dân ta hiện rất tốt. Chỉ cần một ca dương tính thì toàn thể ban, ngành và người dân hợp tác tốt. Điều này tôi đánh giá rất cao và hoàn toàn tin tưởng chúng ta có thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, biến chủng Ấn Độ vẫn là sự đe dọa lớn nếu chúng ta không nhanh chóng đuổi theo và chặn đứng đường lây lan của virus", chuyên gia cho biết.
Biện pháp phòng, chống dịch không thay đổi
Theo bác sĩ Khanh, đến nay, sau hơn một năm SARS-CoV-2 xuất hiện và gây đại dịch khắp thế giới. Đến thời điểm này, chúng ta có thể không cần quan tâm nhiều đến biến chủng SARS-CoV-2 vì chúng luôn biến hóa để thích nghi và lây nhiễm cho con người. Bản chất lây nhiễm của chúng không thay đổi dù có hàng loạt biến chủng.
“Biến chủng mới xuất hiện thì sớm hay muộn cũng sẽ đi khắp nơi trên thế giới. Do đó, nghiên cứu, giải trình tự gene giúp ngành y tế biết được các bệnh nhân bị lây nhiễm chủng virus nào, độc lực ra sao, mức độ lây lan thế nào.... Từ đó, ngành y tế có giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Chuyên gia cho biết tới thời điểm này, con đường của SARS-CoV-2 vẫn chủ yếu được ghi nhận qua hô hấp. Do đó, dù là biến chủng nào, khi phát tán trong cộng đồng, giải pháp phòng tránh vẫn không thay đổi.
Biện pháp bảo vệ đơn giản và hiệu quả nhất là đeo khẩu trang, rửa tay và hạn chế tiếp xúc gần, không tập trung đông và tiêm vaccine càng bao phủ càng tốt. Việc xét nghiệm, phát hiện người mắc Covid-19 không bị ảnh hưởng bởi biến chủng.
"Mong mọi người đừng quá hoang mang và cũng không chủ quan khi có thông tin về biến chủng mới ở Việt Nam. Ngay lúc này, ý thức của mỗi người rất quan trọng. Chủ động khai báo y tế, ghi lại lịch trình di chuyển và tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K", bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Biến chủng B.1.617 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10/2020. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến chủng này đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia và tiếp tục lây lan khắp thế giới.
Tính từ 29/4 đến nay, Việt Nam cùng lúc phải đối mặt 3 chùm ca bệnh trong cộng đồng tại Hà Nam và Vĩnh Phúc và Đà Nẵng. Trong đó, ổ dịch tại Hà Nam xuất phát từ người đàn ông trở về từ Nhật Bản, dương tính với SARS-CoV-2 sau khi kết thúc cách ly tập trung.
Tại Vĩnh Phúc, ổ dịch được xác định bắt nguồn từ chuyên gia Trung Quốc, người từng cách ly tập trung tại khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái). Trước khi trở về nước, ca bệnh này đã đi đến nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Đà Nẵng cũng vừa ghi nhận hai bệnh nhân Covid-19 làm việc tại khách sạn Phú An (quận Hải Châu). Những ca bệnh này chưa xác định được nguồn lây.