Dịch tễ bệnh sốt xuất huyết đang thay đổi
Bệnh sốt xuất huyết trước đây chủ yếu tập trung ở Đồng bằng Sông Cửu Long và ven biển miền Trung, nhưng hiện đã lưu hành ở hầu hết các địa phương
Tại tọa đàm "Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 3-12, đại diện Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 114.900 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó nhiều bệnh nhân nặng.
Sốt xuất huyết là bệnh đã lưu hành ở hầu hết số các địa phương trên cả nước và là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 trường hợp tử vong mỗi năm, trong đó nhiều ca mắc là trẻ em. Đáng chú ý, 5 năm trở lại, bệnh diễn biến cực kỳ bất thường, chu kỳ ngắn hơn, không còn theo mùa.
GS-TS Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay đang có thay đổi.
Trước đây, bệnh chủ yếu tập trung ở Đồng bằng Sông Cửu Long và ven biển miền Trung, nhưng hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu và Bắc Trung Bộ như Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi hiện nay cũng đã ghi nhận có sốt xuất huyết lưu hành.
GS Nam cho biết có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình hình sốt xuất huyết, trong đó, tình hình đô thị hóa không được kiểm soát, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Đặc biệt là vấn đề giao thông đi lại tạo điều kiện cho vector truyền bệnh phát triển và lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu.
Phần lớn người bệnh sốt xuất huyết sẽ hồi phục trong vòng một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, trong số người mắc bệnh khoảng 5% có thể tiến triển thành sốt xuất huyết nặng.
Tại tọa đàm, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết khi chưa có vắc-xin, bệnh chủ yếu được kiểm soát bằng các biện pháp dự phòng và điều trị triệu chứng khi mắc bệnh. "Kiểm soát vector truyền bệnh rất khó bởi muỗi vằn gây bệnh đã di chuyển theo hệ thống giao thông, đô thị hóa của các tỉnh. Do đó, số mắc sốt xuất huyết được ghi nhận nhiều hơn ở các tỉnh miền núi phía Bắc" - ông Đức nói.
Hiện vắc-xin ngừa sốt xuất huyết đang được tiêm dịch vụ. Đại diện Bộ Y tế cho biết đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá, nghiên cứu để trình Chính phủ, nếu phù hợp sẽ đưa vắc-xin sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới.
Dù vắc-xin được coi là "vũ khí" dự phòng, nhưng các chuyên gia cho rằng không thể lơ là việc phòng, chống vector truyền bệnh. Cần truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng để chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng, diệt muỗi ở hộ gia đình... đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bền vững.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dich-te-benh-sot-xuat-huyet-dang-thay-doi-196241203161524688.htm