Dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn sắp bị 'xóa sổ'?
Tại các điểm đến hàng đầu thế giới, dịch vụ đặt phòng và căn hộ trực tuyến mặc dù đã mang lại hàng triệu euro thuế lưu trú nhưng vẫn bị coi là 'kẻ thù' của nhiều người dân bản địa và là 'cái gai' trong mắt chính quyền các thành phố…
Ra đời vào năm 2008 như một cách để khách du lịch tìm thấy những nơi lưu trú độc đáo với mức giá phải chăng trên toàn cầu, Airbnb và những dịch vụ tương tự không chỉ cạnh tranh trực tiếp với ngành khách sạn mà còn tạo ra một lớp những người mua nhà để đầu cơ cho thuê ngắn hạn. Họ mua nhiều bất động sản, cải tạo nội thất và cho thuê quanh năm.
Thời gian gần đây, mọi thứ khó khăn hơn rất nhiều. Cho thuê ngắn hạn ở Orlando và các vùng ngoại ô xung quanh đã chứng kiến mức doanh thu trên mỗi phòng trống giảm 6,4% trong nửa đầu năm nay, theo dữ liệu được công ty phân tích AirDNA LLC tổng hợp. Gần Công viên Quốc gia Joshua Tree ở California hay tại các thị trấn như Gatlinburg và Pigeon Forge ở Great Smoky Mountains, doanh thu cũng lần lượt giảm mạnh.
Theo Bloomberg, tính đến hết năm ngoái, thị trường có khoảng 6,6 triệu căn hộ Airbnb (không bao gồm Trung Quốc), nhiều hơn hẳn so với con số khoảng 900.000 hồi đầu năm 2022. Đến cuối quý 2 năm nay, con số này tăng lên 7 triệu. Theo AirDNA, tình trạng dư thừa khiến doanh thu hầu hết các thị trường đều giảm trong nửa đầu năm nay. Nhiều chủ nhà thậm chí còn phải hạ giá thuê phòng để cạnh tranh với các đối thủ.
Kiếm tiền từ việc cho thuê ngắn hạn không còn dễ. Mức độ phổ biến tăng lên kéo theo kỳ vọng của khách hàng. Các chủ nhà cũng phải mất thêm chi phí dọn dẹp, bảo trì, vệ sinh và lắp đặt thêm tiện nghi và nội thất cao cấp để chiều lòng các thượng đế. Jeff Iloulian, một trong số những chủ nhà đi tiên phong trong làn sóng bùng nổ Airbnb, cho biết: “Khách nào cũng mong ngôi nhà họ thuê được trang bị đầy đủ tiện nghi. Bạn không thể dùng đồ nội thất rẻ tiền nữa”.
Như thêm một “đòn giáng” nữa vào những khó khăn mà thị trường thuê nhà ngắn hạn đang phải gánh chịu, điều Luật số 18 của thành phố New York, còn gọi là Luât Đăng ký thuê nhà ngắn hạn, có hiệu lực từ ngày 5/9 vừa qua, đã thay đổi cách thức hoạt động của dịch vụ này. Quy định mới yêu cầu các chủ nhà cho thuê ngắn hạn phải đăng ký với văn phòng Thực thi đặc biệt (OSE) để xin giấy phép, và chủ nhà phải có mặt trong thời gian lưu trú của khách. Mỗi một chủ nhà chỉ được cho tối đa 2 khách trọ, thời gian lưu trú giới hạn 30 ngày.
Tuy không cấm rõ ràng một công ty hay nền tảng nào, nhưng với quy định này, rõ ràng những dịch vụ như kiểu Airbnb gần như bị hết đường hoạt động. Mục đích của thành phố New York khi ban hành các quy định này là nhắm đến ba chuyện: ngăn ngừa tình trạng cho thuê nhà trái phép; bảo vệ du khách và cộng đồng; giảm bớt tình trạng căng thẳng thiếu nhà cho thuê. Quy định mới bắt buộc chủ nhà phải đăng ký với thành phố, trả lệ phí 145 đô la Mỹ và nếu được chấp nhận sẽ được cấp mã số đăng ký và chủ nhà sẽ đăng mã số này khi quảng bá dịch vụ trên Airbnb.
Airbnb tuyên bố sẽ tuân thủ luật mới nhưng với khách đã lỡ giữ chỗ vẫn có thể thuê theo cách cũ đến ngày 1/12, sau ngày đó Airbnb sẽ hủy các địa điểm chưa có mã số đăng ký. Theo tờ Washington Post, cho đến cuối tháng 8, New York chỉ mới nhận được 3.250 hồ sơ đăng ký, trong đó đã cấp 257 giấy phép, từ chối 72 hồ sơ và trả lại 479 hồ sơ để bổ sung thông tin. Chủ nhà vi phạm các quy định mới sẽ bị phạt từ 100 - 5.000 đô la, các lần vi phạm sau sẽ phạt nặng hơn.
Số lượng du khách đến New York vào năm 2022 là 56 triệu lượt người, dự báo lên đến 63 triệu lượt người trong năm nay. Thành phố có 127.000 phòng khách sạn nên tỷ lệ lấp đầy phòng luôn ở mức cao. Các chỗ ở cho thuê ngắn hạn giúp giảm bớt áp lực lên khách sạn và cho du khách thêm nhiều chọn lựa. Với các quy định mới, chưa biết thị trường sẽ diễn biến như thế nào nhưng chắc chắn những ai từng quen lên Airbnb tìm chỗ ở sẽ thất vọng vì khó tìm chỗ ở so với trước, nếu có giá ắt sẽ cao hơn.
Một số người bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách này đối với ngành du lịch và những doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc nhiều vào du khách. Tuy nhiên, thực tế, New York chỉ là một trong nhiều thành phố trên thế giới đang cố gắng xoa dịu "cơn sốt" cho thuê ngắn hạn. Thành phố Dallas của Mỹ cũng đã áp dụng quy định giới hạn việc cho thuê ngắn hạn ở những khu vực cụ thể để tránh những bữa tiệc gây rối và nguy hiểm của du khách. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Quebec và Memphis, Tennessee của Canada, cùng nhiều tỉnh khác, hiện yêu cầu giấy phép cho thuê ngắn hạn.
Tại San Francisco, khoảng thời gian một người có thể cho thuê nơi ở qua Airbnb được giới hạn là 90 ngày mỗi năm; Amsterdam đặt giới hạn 30 đêm mỗi năm, Paris là 120 ngày. Florence (Italy) có thể cấm đăng ký mới đối với dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn tại khu vực trung tâm lịch sử của thành phố, cũng là nơi thu hút rất đông khách du lịch...
Ngày càng nhiều thành phố có thể đang cố gắng hạn chế việc cho thuê Airbnb, nhưng công ty vẫn tiếp tục phát triển. Trong quý 2/2023, nền tảng này kiếm được 2,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, với số đêm và trải nghiệm được đặt trên nền tảng này tăng 11% trong cùng kỳ.
Theo CNN, phía Airbnb cho biết nền tảng cũng nhận ra những thách thức mà các thành phố lâu đời trên khắp thế giới đang phải đối mặt và bày tỏ muốn giúp đỡ. "Chúng tôi đã đề xuất các quy định về việc cho thuê nhà ngắn hạn rõ ràng và đơn giản, đồng thời đảm bảo việc chia sẻ nhà một cách có trách nhiệm ở mọi thành phố và thị trấn”. Được biết trong thời gian tới, Airbnb sẽ bắt đầu tái đầu tư xây dựng dịch vụ mới ngoài hoạt động kinh doanh lưu trú cốt lõi, chẳng hạn như cung cấp các chuyến du ngoạn và hoạt động vui chơi cho khách du lịch.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dich-vu-cho-thue-nha-ngan-han-sap-bi-xoa-so.htm