Dịch vụ công của 63 địa phương đã có cải thiện

Kết quả đánh giá 63 cổng dịch vụ công năm 2024 cho thấy các địa phương đã có một số cải thiện so với năm 2023. Tuy nhiên, theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, cần cải thiện hơn nữa các dịch vụ công trực tuyến bảo đảm tính thuận tiện, tính dễ sử dụng và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.

Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Đánh giá 63 cổng dịch vụ công cấp tỉnh từ góc độ người dùng năm 2024”.

Sau 6 tháng thực hiện đánh giá cổng dịch vụ công trực tuyến của 63 tỉnh, thành cho thấy các địa phương đã có một số cải thiện trong việc cung cấp Dịch vụ công trực tuyến so với kết quả rà soát năm 2023. Nhiều cổng Dịch vụ công đạt mức ‘tốt’ ở hai tiêu chí “Cung cấp thông tin hỗ trợ” và “Mức độ dễ sử dụng của các công cụ tra cứu”.

Các chuyên gia chia sẻ về giải pháp nâng cao tiện ích của dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hải Anh

Các chuyên gia chia sẻ về giải pháp nâng cao tiện ích của dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hải Anh

Ở góc độ quốc tế, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho rằng: “So với kết quả rà soát năm 2023, nhiều địa phương đã nâng cấp cổng dịch vụ công để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người khuyết tật. Tuy nhiên, như nghiên cứu đã chỉ ra, cần cải thiện hơn nữa các dịch vụ công trực tuyến bảo đảm tính thuận tiện, tính dễ sử dụng và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người”.

Bên cạnh đó, quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa được công khai đầy đủ, chưa được trình bày một cách dễ thấy, dễ hiểu, chưa theo dõi được trên cổng dịch vụ công, khiến người dùng khó nắm bắt được các bước cần thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiến độ giải quyết hồ sơ.

Báo cáo Kết quả đánh giá 63 cổng dịch vụ công năm 2024, chuyên gia Nguyễn Đức Lâm đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá 63 cổng dịch vụ công năm 2024 - cho biết, hầu hết các cổng dịch vụ công mới chỉ đạt mức trung bình về độ tương thích với cả máy tính và điện thoại thông minh. Một trong những nguyên nhân gốc rễ của những bất cập và vướng mắc là quy trình và thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và chưa được số hóa hoàn toàn. Hơn nữa, các dịch vụ công trực tuyến vẫn được đưa lên cổng dịch vụ công theo quy trình, thủ tục thực hiện trên giấy và trực tiếp, thay vì theo cách số hóa và gián tiếp.

Để nâng cao hiệu quả của các cổng dịch vụ công, bà Ramla Khalidi cho rằng, cần đầu tư cải thiện các cổng dịch vụ công để tăng mức độ thuận tiện, thân thiện, tính tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của mọi người dùng.

Về giải pháp cải thiện việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến, chuyên gia Nguyễn Đức Lâm khuyến nghị, các tỉnh, thành phố cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đồng thời tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về sự tiện lợi của cổng dịch vụ công và dịch vụ công trực tuyến.

Cũng theo chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ số và kết nối dữ liệu cần được thực hiện một cách linh hoạt, hiệu quả. Các văn bản pháp luật liên quan tới quy trình, thủ tục hành chính cần được sửa đổi để phù hợp hơn với môi trường số./.

Quản trị số dịch vụ công trực tuyến

Theo các chuyên gia của nhóm nghiên cứu, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng phục vụ, các tỉnh, thành cần tập trung vào việc xây dựng các chính sách và triển khai dịch vụ công trực tuyến từ góc độ “quản trị số”, trong đó chú trọng thúc đẩy tương tác tự nhiên trên môi trường số giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dich-vu-cong-cua-63-dia-phuong-da-co-cai-thien-157746.html